Nàng

 

Hắn công khai quan hệ với Nàng, trước sự bất lực của bà vợ hay ghen và đám người nhà  lý sự.

Mà ai có thể cưỡng lại được sự quyến rũ của Nàng cơ chứ. Đến chín mươi phần trăm đàn ông và vô số đàn bà mê mệt Nàng. Nàng ấm áp, nồng nàn mùa đông. Nàng mát lẻm, đã khát mùa hè. Nàng quyến rũ mãnh liệt lúc ta hứng khởi. Nàng an ủi, lặng lẽ chăm sóc những lúc khó khăn. Nàng luôn thay đổi và tươi mới, nhưng lại chân thành và dễ cảm nhận. Nàng ở bên ta bất cứ khi nào ta cần, và để ta yên những khi ta muốn được tự do. Ai có thể từ chối một ân huệ trời ban như thế?

Những chiều lạnh, hắn thường ngồi duỗi dài trên ghế sô-pha, để mặc Nàng ủ ấm hai bàn tay hắn trong tiếng hát mỹ nhân ngư của Katie Melua hay giọng ca mướt ngọt và lẳng lơ của Julio Iglicias, rồi chầm chậm lướt môi trên làn da nâu óng của Nàng, trong mùi hương của Nàng lan tỏa, rất đàn bà, rất ngọt ngào và hứa hẹn. Hắn ngất ngây vị da thịt của Nàng- vị dịu dàng của sữa ngọt, nồng nàn đặc sánh của đêm, đam mê của đất và bồng bột của mật ong. Hắn ngẹn ngào để Nàng mang từng giọt khoái cảm lan tỏa khắp cơ thể, để từng tế bào trong cơ thể hắn được thư giãn trong khoan khoái.

Bà vợ lắm điều của hắn càng ra sức ngăn cản, hắn càng mê mệt Nàng. Mỗi sáng, hắn không thể bắt đầu một ngày mới nếu không được gặp, được giữ thật chặt Nàng trong tay, được uống cạn Nàng. Mỗi chiều, sau bữa trưa, hắn đều thèm muốn Nàng khủng khiếp, và thường thì, Nàng luôn xuất hiện tức thì. Mỗi đêm làm việc, hắn không thể có cảm hứng vẽ hay thức thâu đêm nếu không có Nàng ở bên. Nàng là nguồn thuốc sống, là nguồn hứng khởi của những tác phẩm kiến trúc, của những bức ảnh, của sự sống mà hắn có. Làm sao hắn có thể sống thiếu Nàng?

 

Thế là hắn công khai bộc lộ tình cảm của hắn với Nàng, trơ trẽn và dũng cảm. Hắn tiêu rất nhiều tiền để thưởng thức cuộc sống cùng Nàng. Với rượu Rum, Nàng rực rỡ, mãnh liệt và cá tính. Với Bailey, Nàng trở nên mượt dịu, ngọt ngào. Với chút máy móc từ Ý, Nàng thành Espresso nâu trầm đong đưa. Một chút kem Chocolate và hạnh nhân trên môi, Nàng lại ngây thơ, chín mọng như thiếu nữ. Nhưng hắn thích nhất, vẫn là lúc Nàng là Nàng đúng nghĩa, nâu sậm và đắng ngọt như trời đêm.

 

Hắn tìm cách hẹn hò qua lại với Nàng bất cứ nơi nào hắn đến, cửa hàng Starbucks ở Singapore, nhà hàng Tiamo Coffee Restaurant trên phố Lygon ở Melbourne, Violino Café ở Hà Nội hay Rex Hotel Terrace Café ở Sài Gòn. Nàng luôn bên hắn, gắn bó mà khác biệt mỗi ngày.

 

Vậy mà hôm nay tay bác sĩ mặt non búng ra sữa dám nhăn nhở cười bảo hắn chớ có chạm vào Nàng, chỉ vì hắn mắc bệnh huyết áp cao và mắt hắn thâm đen vì mất ngủ. Tay đó còn lý sự rằng hắn đã lạm dụng Nàng, đã mê đắm Nàng quá lắm nên mới ra nông nỗi này. Đúng là đồ chẳng ra gì. Làm sao hắn có thể rời bỏ Nàng sau từng ấy năm nàng chăm sóc yêu thương hắn?

 

Đi khám về, nhìn cái bản mặt mụ vợ hớn ha hớn hở ra mở cửa. Hắn bỗng nghi ngờ hai kẻ này thông đồng. Biết đâu thằng cha bác sĩ định độc chiếm Nàng? Biết đâu mụ vợ định mượn gió bẻ măng?

Tức giận và đau khổ, hắn lao thẳng vào bếp, lột bỏ bộ đồ bó chặt của Nàng, lôi tuột nàng ra bàn nước. Thế là hắn lại có Nàng. Hắn chỉ muốn hét to tên Nàng: “Cà-phê”.

 

 

Phạm Việt Hà

Hà Nội, trưa 5 tháng 9 năm 2010

Phản bội

6344_310789302360722_963836778_n“Câu chuyện dưới đây là hoàn toàn bịa đặt. Nếu vì lý do gì đó mà một số tên gọi, hình ảnh minh họa hay tình tiết giống với  nhân vật ngoài đời, thì đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên”

Hồi học cấp ba, tôi thân với Minh Bờm,  được chứng kiến mối tình đầu của nó với cô bạn xinh đẹp đảm đang cùng lớp tên Mai.

Vậy mà tôi từng phản bội tình bạn của Minh.

Chuyện là hồi đó bố cho tôi năm trăm đồng mỗi sáng, đủ ăn một bát cháo sườn bà Sẻ trước khi đi học. Tôi thường nhịn, để dành tiền đến giờ ra chơi mua bánh rán. Bánh làm bằng bột sắn ngào đường, năm trăm đồng hai cái, đến đúng giờ ra chơi mới ăn, miếng nào ngọt lừ miếng ấy. Thế mà cứ đúng hôm tôi để dành tiền định mua bánh rán, là y rằng Minh ra vay mất. Nó lấy tiền bữa sáng của tôi để mua bánh trưng nịnh người yêu. Tôi cho nó vay mà lòng đau như cắt, đau thật vì đói, chứ không hẳn vì tức thằng bạn si tình.

Đúng hôm tôi đang đứng ở cửa lớp với nỗi đau quặn ruột, thì Sơn mũ đỏ đi tới. Sơn học trên chúng tôi một lớp, người phố Khâm Thiên. Nhà nó giàu sụ, có tới hai hiệu thuốc tây to đùng trên cùng một phố. Sơn lúc nào cũng diện cái mũ lưỡi trai màu đỏ có chữ MU, nên bị chúng tôi gọi là Sơn mũ đỏ. Sơn nhờ tôi đưa thư cho Mai. Nó vung vẩy túi ô mai Thái bọc ni-lông đỏ, bảo nếu tôi chịu đưa thư, nó sẽ cho tôi nguyên cả gói.

Tự nhiên, miệng tôi ứa đầy nước bọt. Ruột tôi réo thành cơn khi nghĩ tới vị chua chua ngọt ngọt của những hạt ô mai đang nhảy nhót trong cái túi đỏ hoa đào. Tôi không dám trả lời, mà cũng không nói nổi, vì chỉ mở mồm là phun đầy nước bọt ra ngoài. Ánh mắt tôi nhìn gói ô-mai viết thành hai chữ “phản bội” rõ ràng đến mức Sơn thản nhiên giúi lá thư màu xanh nhạt và gói ô mai vào tay tôi, rồi vừa huýt sáo vừa bước đi đắc ý.

Bức thư ấy chẳng làm Mai bỏ Minh, mà làm Minh lơ tôi liền mấy bữa.

Rồi nó cũng tha thứ cho tôi.

Minh và Mai cuối cùng thì cũng cưới, chỉ có điều là hai đứa chẳng cưới nhau. Mai lấy một anh đầu bếp, mở nhà hàng và kinh doanh nhà đất. Đứa con trai đầu, Mai đặt tên là Minh. Minh mới lấy vợ, trẻ và rất xinh. Nó giờ làm phóng viên một tờ báo ảnh của Vietnam Airline, tháng tháng đều đặn gửi báo biếu cho tôi bù chì bút chít cho những ngày xưa.

Tôi vẫn thân Minh, tuy thỉnh thoảng thấy tiếc là mình đã hy sinh vô ích những cái bánh rán ngào đường béo ngọt cho một mối tình không đậu quả.

Hà Nội, tháng 8 năm 2011

Phạm Việt Hà

Lẩn thẩn

Tôi có chị bạn, mẹ chị hay phàn nàn rằng chị ngoài cứng trong mềm, dễ suy sụp lắm, chị không biết đòi hỏi bon chen rồi sẽ khổ, sẽ là người làm cho kẻ khác ăn. Bà dạy dỗ chị như dạy con trẻ, sợ chị bị người khác lừa, sợ chị lại ngã mà không dậy được. Bà không hề biết các đồng nghiệp ở cơ quan vừa nể vừa ghét chị, bởi chị trông mặt mũi đần đần mà cái gì cũng biết, thi thoảng mới thủng thẳng phun ra điều này chuyện nọ, làm họ giật mình chột dạ. Loại người thành đạt nơi thương trường như chiến trường sao hiền lành được và cũng chẳng dễ bị lừa, trừ phi chị tình nguyện làm kẻ bị lừa.

Bạn bè hồi đại học gặp chị vẫn bảo: “Nó cứ chậm rãi, thong thả thế này, chẳng biết rồi xoay xỏa thế nào với cuộc đời.” Họ nhầm, bởi chị nghĩ trước làm sau, dĩ bất biến ứng vạn biến, nên mới thanh thảnh nhẹ nhõm được thế, dẫu cuộc sống quay nhanh hay chậm, chị vẫn cứ thủng thẳng đi đường chị. Chỉ người rất bản lĩnh mới sống được cuộc sống ấy.

Khi đối diện một con người, ta thường chỉ nhìn thấy cái phần tính cách, ứng xử mà người ấy dành cho ta, muốn ta nhìn thấy. Ta mới nhìn người ấy ở một vai trò, một phần đời mà chưa nhìn được thấu, xem sao người ấy hành xử thế. Đấy là chưa kể, nhiều phần trong những đánh giá mà ta có là do hoặc vì yêu hoặc vì ghét mà tự viễn ra.

Hiểu người đã khó, hiểu mình càng khó hơn. Có lần, bà giáo hỏi “What has been your greatest adventure ? What did you learn from it?” Trong lúc các bạn trong lớp hăm hở kể về những chuyến đi của mình, tôi vẫn cứ băn khoăn với câu hỏi của bà giáo. Không phải tôi chưa từng được đi đâu, cũng không phải tôi không có gì để kể. Chỉ có điều, chuyến đi dài nhất và khó khăn nhất hình như lại diễn ra bên trong cái đầu bé tí tẹo nhưng cực kỳ mâu thuẫn của tôi. Chuyến đi tìm hiểu cho rõ: tôi là ai, tôi muốn gì, tôi xấu tốt ra sao, yếu mạnh thế nào. Đến giờ tôi vẫn quanh quẩn và mâu thuẫn. Khi thì thấy mình nhìn thấu bản thân, như con Cá Mai phơi cả gan ruột, xương não trong veo trên đĩa gỏi. Khi lại nhận ra rằng, thực ra cái mình tưởng là hiểu rất rõ ấy lại là sai.

Cuộc sống quay nhanh quá. Sáng dậy, vớ lấy cái kính đeo lên mắt, đã nghĩ đến bữa sáng cho con sao cho kịp giờ đi học. Đến cơ quan, mở hộp thư, sếp đã giao cho cả đống việc. Cả ngày là cuộc tung hứng các quan hệ cá nhân, công việc, xã hội..Tối về, người mệt thử, lại quanh quẩn chuyện học hành của con cái, chuyện anh A ốm, chị B đẻ. Xong việc, chỉ mong được rúc vào ngực chồng, được ôm mông con nằm ngủ. Chẳng còn thời gian hay sức lực mà nghĩ ngợi.

Những lúc nghĩ ngợi nhiều, là lúc ta có chuyện, tức là ta nhận ra những điều ta tưởng đúng hóa lại sai. Thế là ta lại tự hỏi: vậy thì câu trả lời đúng là gì? Nhưng mà cứ nghĩ nhiều thì mệt lắm. Mà đôi khi ngã, ta mới biết đau. Mà đòn đau thì nhớ lâu, ta mới biết quý cái lúc không đau. Thế nên cứ kệ mẹ nó, ta cứ sống như ta vốn thế, lúc nào có chuyện, ta lại nghĩ sau.

Ấm

Dùng facebook, tôi có thể thấy bạn bè qua những bức ảnh mà họ tải lên. Nhìn quanh quẩn đám bạn cùng tuổi, sao thấy vắng mất nét ấm áp hồn nhiên từng có. Cả những người đang đứng ở đỉnh cao học vị hay tiền bạc, cả những bức ảnh đã được sửa cho da căng, tóc mịn, miệng cười tươi, đều có gì không đủ, không đầy, không ấm áp.

Sáng, soi gương, chợt thấy một người lạ trước mặt. Người ấy không còn là người ta từng mặc nhiên gọi đó là “mình”, là “tôi”. Người ấy mệt mỏi và bối rối, lo lắng và tự phụ. Thời gian và mưu sinh không chỉ lấy đi tuổi trẻ hay nhan sắc, mà còn thay đổi thần thái mỗi người. Như giọt nước bị đóng băng trong ngày giá rét, cuộc sống mang đi cả hơi ấm nội tại của mỗi cá nhân.     Thi thoảng, gặp bạn bè, vội vội vàng vàng, ăn ăn uống uống, rồi khoe tiền, khoe bồ, khoe con, khoe chồng, rồi kể xấu thằng này, thương hại con kia. Người nọ chưa nói xong, người kia đã vội cướp lời. Chẳng ai có thời gian ngồi bên nhau lấy một lúc mà không khoe, không kể, không ca thán, chửi bới. Chẳng ai kịp nhìn kỹ khuôn mặt nhau, nhìn vào mắt nhau mà hỏi một câu chuyện nhà cho có đầu có cuối, để kịp thấy ấm trong lòng.

Ấm áp không phải là niềm nở hay vồ vập, mà đơn giản là sự quan tâm đích thực. Ấm áp không phải là dụng ngôn khéo léo, bởi nó không thể hiện qua lời nói mà ở giọng nói, mắt nhìn. Ấm áp không phải là miệng cười tay bắt, mà ở cái cảm giác mà những cử chỉ ấy tạo ra ở người đối thoại. Ấm áp không phải là trọng đãi, bởi đồ ăn và rượu quý không đủ để làm ta gần gũi nhau hơn. Ấm áp lại càng không phải là hứa hẹn hay cam kết, bởi chúng không đủ để tạo lòng tin. Ấm áp là cảm giác mà một người tạo ra khi bản thân anh ta ấm áp và tự tại. Ấm áp là thứ vô hình bao bọc lấy ta và ở trong ta. Sự ấm áp khó lòng học mà có được, khó lòng giả tạo mà ra, bởi nó tự nhiên là ở đó- nếu có, và không thể cảm thấy-nếu không.

Thi thoảng đi ngoài đường, ta giật mình khi nhìn cô gái trẻ nép mình sau lưng người yêu, hay khi nghe tiếng cười giòn tan của bọn nhóc túm tụm bên quầy quà vặt, tự nhiên thấy nhớ tiếng cười của mình ngày xưa, nhớ cái tuổi đánh nhau với bạn trai còn chưa thấy ngượng, nhớ những bàn tay nhỏ xoa má sáng lạnh, nhớ ngọn lửa đỏ khi cùng bạn đốt củi nướng ngô ăn những tối mùa đông.

Thi thoảng, ngay khi đang ngồi giữa những người thân yêu nhất, mà như có bức tường vô hình chắn giữa, có làn sương mờ phủ lên nét mặt họ, vẫn thấy họ nhìn đâu xa lắm, vẫn thấy lạnh.

Hôm nay trời rét lạ, nhưng lòng tôi thấy ấm, bởi có người đang nhìn tôi cười tỏa nắng trước hiên nhà.

Phạm Việt Hà  Tháng 1 năm 2011

Những điều mẹ dặn

 

Công việc và tiền bạc

  1. Làm những công việc mà mình làm tốt, đừng tham những việc mà mình không giỏi, dù nó có hứa hẹn mang lại cho mình rất nhiều tiền.
  2. Làm việc gì cũng phải cố gắng hết sức, đã hết sức rồi, được đến đâu hài lòng đến đó.
  3. Luôn giữ cho mình năng lực kiếm ra tiền, luôn giữ cho mình đủ tiền để nuôi con.
  4. Đồng tiền kiếm được bằng công sức ở lại nhà mình lâu hơn.
  5. Cẩn trọng với những khoản chi tiêu lớn, thoải mái với những khoản chi tiêu nhỏ hàng ngày, nhưng đừng bao giờ lãng phí.
  6. Dùng tiền để giúp người, đừng dùng nó để hại người.

Gia đình

  1. Người trong nhà, chỉ nói chuyện tình cảm, không cãi nhau chuyện quan điểm, tiền bạc hay làm ăn.
  2. Người trong nhà, chỉ giúp nhau, không được tị nhau.
  3. Tôn trọng chồng và gia đình chồng, chăm sóc đóng góp cho nhà chồng vì đó là gia đình mình, gia đình của con mình.
  4. Muốn giữ chồng, phải biết giữ mình, trước hết là giữ cho mình trang nhã, dịu dàng, ấm áp. Thứ nữa là giữ cho mình đúng đạo. Còn giữ rồi mà chồng vẫn đi, thì hãy buông.

Xã hội

  1. Người khác nhìn mình ra sao rất quan trọng, nhưng quan trọng nhất là mình tự nhìn mình thế nào.
  2. Thà bị người ta ghét mà trọng, còn hơn được người ta thích mà khinh.
  3. Cái gì ta nâng lên được, ta cũng đặt xuống được.
  4. Có thể đánh nhau để tự vệ, nhưng đừng chửi bậy, nói xàm.
  5. Lời nói đọi máu, nói phải nghĩ trước nghĩ sau.
  6. Muốn người khác tôn trọng mình, phải tự lực tự tôn trước đã.

Phạm Việt Hà

(Tổng hợp từ những điều mẹ mình vẫn dạy)