Trốn bão

Quảng Ngãi

Chỉ vài giờ nữa, bão đánh vào Quảng Ngãi, nghe nói cơn bão lớn chưa từng có, đã làm chết cả vạn người nơi nó vừa đi qua. Loa phường ra rả nhắc bà con lấy bao cát chèn mái, chặt cành cây quanh nhà, chuẩn bị đồ ăn thức uống. Đường phố vắng tanh, các nhà hàng vội vã bán nốt chút hàng cuối, rồi đồng loạt đóng cửa cho nhân viên về lo chống bão.

Khách sạn ngày thường vắng vẻ là thế, giờ ầm ĩ người vào ra. Mấy ông Quảng rắn đen chạy xe Honda cà tàng đưa bà mẹ già, đàn con nhỏ từ biển lên, thuê lấy một phòng ở rẻ nhất có thể, mua trữ mỳ tôm gói, bánh mì dài, nước uống, vét ít đồ quý giá trong nhà để bà già giữ, rồi lại chạy xuống biển để cùng vợ chèn mái, neo thuyền, sẵn sàng chống bão. Trong cái sảnh bé tí là những người đàn ông vội vàng lo lắng, bọn trẻ ngấm ngầm sung sướng vì bỗng dưng được lên thành phố ở nhà tây, mấy bà má khư khư ôm bọc đồ con giao trước ngực, cả một thiếu phụ trẻ vạch vú cho con bú trong lúc chờ chồng mặc cả lấy phòng.  Mấy ông thiệt kỳ, nói năng lầm bầm cắm cảu mà cử chỉ rất mực dịu dàng. Họ xách đồ, đỡ bà già, gom mấy đứa nhỏ ham chơi đưa hết lên phòng, chạy lên chạy xuống lo nước nóng đồ ăn cho đủ, rồi mới chùm áo mưa, xắn quần  cao, tất tả lao xe về dưới biển. Mưa táp rát mặt, gió gầm rít ầm ầm rung cây đập cửa đuổi sau lưng, họ lao về với ngôi nhà của mình, yên tâm những người cần họ che chở đều đã ở chỗ bình an.

Những  thị trấn nghèo ven biển toàn nhà mái tôn với dăm ba cái thuyền thúng chằng trước cửa. Những đợt triều dựng đứng lấy hết sức bình sinh quật vào đất liền và sức gió bóc  mọi mái nhà, quăng bay mọi giường tủ, thuyền bè trên đường đi của nó. Đàn ông làng chài không sợ chết, nhưng sợ không thể che chở được bà mẹ già và bầy con dại, sợ biển cướp đi những sự sống mà họ đã bền bỉ nuôi nấng và che chở. Họ sợ, bởi họ đã ra khơi nhiều lần, đã nhìn vào mắt của cái chết, của gió, bão, những cột nước khổng lồ quất xuống thân tàu. Họ sợ, và họ làm hết thảy những gì có thể để bảo vệ người thân của họ.

Đã hai hôm nay, mỗi ngày chị em tôi nhận được cả chục cuộc gọi từ gia đình vì lo bão vào Quảng Ngãi. Điều duy nhất tôi muốn là về nhà, được ôm bọn nhóc và ông chồng béo, không gì hơn, chỉ là được về cái tổ của mình. Nhưng việc, thì vẫn phải làm cho xong đã. Thế nên vẫn ở lại, vẫn làm và tránh nói về bão. Một giờ trưa thì xong việc, mấy chị em vội vàng ôm một đống va li quần áo bẩn và 50 kí lô đề thi, bài thi đã niêm phong lao ra sân bay chỉ để nhận được câu “Xin lỗi, các chuyến bay bị hủy, chúng tôi sẽ thông báo sau khi bão đi qua.” Lại vội vã lao về khách sạn, gọi đủ nơi, nhờ đủ người để mua được vé tàu kịp về đêm đó, dù chỉ là vé đứng, cả mấy chị em đều sợ bão và sợ mình sẽ chẳng còn được về nhà.

Toa tàu chặt cứng những người trốn bão, ngột ngạt vì thiếu khí và đủ thứ mùi quyện vào hơi người hầm hập. Chỗ ngồi không còn, người ta mua vé phụ, tức là anh có vé lên tàu, còn đứng ngồi chỗ nào thì tùy. Nhà tàu có một lô ghế nhựa, phát cho mỗi người một cái, nhưng rồi khách đông quá, đến ghế nhựa cũng chẳng đủ. Các cụ già  ôm thu lu nguyên đống hành lý lủng củng ngồi trước toa lét bốc mùi xú uế vì không tranh được chỗ với bọn trẻ, bà con mọn trải giấy báo lên trên sàn tàu bị mưa hắt  ướt tèm lem để có chỗ ngả lưng và cho con bú. Người ngủ, người thức, người gục đầu bải hoải sau một ngày một đêm phải đứng, ngồi, vật vờ trong những toa tàu không có chỗ cho mình.

Rồi thì cũng về đến nhà, ngôi nhà sạch và ấm áp quen thuộc. Chồng tôi thở phào nhẹ nhõm vì không mất bà vợ xuống cấp và cô Ô-sin cao cấp. Còn tôi, tự thấy mình may mắn vì vẫn còn chỗ để về sau bão, vì còn biết sợ mất đi cuộc sống của mình và vì tôi đã được nhìn thấy những nẻo đời mà những tòa nhà chọc trời đã che khuất mất.

 Phạm Việt Hà

Hà Nội tháng 11 năm 2013