Cứ sống thôi

  • Em về đây, hết giờ ăn trưa rồi
  • Khổ thân, lúc nào cũng vội vội vàng vàng.

Mình chào mấy chị bạn cũ, vội ra lấy xe chạy về văn phòng, vọng nghe tiếng người bình luận “Làm cho Tây khổ thế đấy, tiền nhiều một tí nhưng mà mất hết tự do.” Mình mỉm cười, định nghĩa tự do của mỗi người mỗi khác. Với người này là thời gian làm việc thoải mái, với người khác lại là được tôn trọng, được học hỏi và làm việc đúng với quan điểm và giá trị sống của mình.

19149170_10154974197593371_6503302828540814831_nHồi mình nghỉ việc ở trường đại học sau 12 năm công tác để làm cho một trường học tư nhỏ xíu của Mỹ, thỉnh thoảng lại nghe xì xào chỗ này chỗ nọ “Chắc dính phốt nên phải đi chứ đang làm quản lý, có mà điên mới bỏ trường đại học to đùng đi làm cho cái chỗ bé tí thế này.” Cũng lại có hôm đang ăn trưa cùng đồng bọn, có anh đồng nghiệp cùng trường cũ khật khừ say cầm cốc ra bàn mình vì nhận ra người quen. Hỏi han dăm câu ba điều xong, anh bảo “Này, ngày xưa em đi là chuẩn đấy, cái chỗ đấy giờ toàn người chẳng ra gì”.  Mình ghét nhất những người nịnh thối, nên nghiêm mặt đốp luôn “Anh không nên nói thế. Những đồng nghiệp ở lại không phải vì họ không giỏi giang hay không tử tế, cũng không phải họ không thể đi đâu khác. Ở hay đi đều là quyết định cá nhân anh ạ.” Anh đồng nghiệp có vẻ xấu hổ, chào vội rồi khật khưỡng quay trở lại bàn tiệc phía bên kia phòng.

23473122_10155414479638371_6871772790698257496_nNgày ấy, mình chỉ nghĩ làm việc ở đó đã đủ lâu, muốn biết những môi trường làm việc khác, cách quản lý khác, tự tin là mình còn thay đổi thích ứng được với yêu cầu công việc mới, nên chuyển đi. Từ đó đến giờ thêm 12 năm nữa, mình cũng đã kịp nhảy việc thêm mấy lần. Đi rồi, thấy mình tốt lên, có nhiều góc nhìn khác, giàu có hơn về mọi nhẽ, càng biết trân trọng những gì mình đã học được từ thời gian làm việc ở trường. Cuộc sống vốn đa chiều, đa dạng, đa lựa chọn, thay đổi không ngừng. Càng nhìn ra, chấp nhận và hòa hợp được với những khác biệt và thay đổi ấy thì càng nhìn rõ được mình, càng ít lấy cách nghĩ hay trải nghiệm của mình ra mà phán xét người khác, cũng không còn quá nhọc lòng những chuyện chẳng đáng nhọc lòng. Mà ai cũng giống ai  thì đời buồn chết được.

***

T bằng tuổi em trai út của mình, tính tình điềm đạm. Mười hai năm làm đồng nghiệp rồi đối tác với nhau, mình chưa từng thấy T mất bình tĩnh hay lạc giọng bao giờ. Buổi tối, mình đang đi dạo thì T gọi điện, vừa khóc vừa nói, lạc giọng thất thần “Chị ơi, bố em nguy rồi, giờ nhà em đưa ông về quê. Mấy việc đang làm dở, chị lo giúp em.” Mình cũng sững sờ bủn rủn. Đã gần tháng trôi qua, việc tang gia cũng đã hoàn tất, người đàn ông hơn 40 vẫn thẫn thờ nhớ bố, sợ không biết ở thế giới bên kia cụ có ổn không.

23518914_10155414483253371_3928020832683330607_nNói chuyện với T, mình an ủi cậu bằng triết lý “vô thường” trong Phật giáo, rằng vạn vật vạn sự, dù là tâm thức, con người hay ngoại cảnh luôn không ngừng biến đổi, không có gì là vĩnh hằng. Mọi thứ trên đời, trong đó có con người đều chuyển hóa liên tục qua chu kỳ sinh, trụ, dị, diệt. Ai cũng có thể chứng nghiệm tính “vô thường” qua những gì đang xảy ra xung quanh. Mình bảo T “Rồi chị em mình cũng sẽ về với đất, rời bỏ xác trần để bắt đầu một vòng luân hồi khác.”  Nói vậy, nhưng mình cũng hiểu chấp nhận bản chất “vô thường” quả là không dễ, giống như T không dễ gì chấp nhận việc bố cậu vừa cười vui hiền hậu bên con cháu đấy mà bỗng ốm nặng rồi mất chỉ trong vài ngày, hay bạn mình không dễ gì chấp nhận sự thật rằng tình yêu của vợ với anh đã chết khi cô bỗng đặt tờ đơn ly hôn trước mặt chồng để đi theo một người khác sau 15 năm chung sống. Những gì đã có, đã gắn kết giữa người với người, giữa người với vật, giữa quá khứ và hiện tại đâu dễ gì nói mất là thôi, bảo thay là cứ thế đổi thay, bảo buông là bỏ được.

***

DSC00073Thầy gọi điện “Hà khỏe không? Lâu không thấy qua chơi. Thầy có mấy cuốn sách mới muốn gửi cho Hà.

Chiều mình qua nhà thầy, thấy thầy đã xuống tầng 1 đợi, còn cô Mùi đã pha trà sẵn mời khách. Cô bảo năm nay thầy yếu hơn, cô không hướng dẫn nghiên cứu sinh hay làm thêm nữa vì phải tập trung chăm sóc thầy. Thầy chỉ tủm tỉm cười. Đúng là thầy gầy hơn, tóc cũng đã bạc trắng hết cả, nhưng giọng nói vẫn vang, vững, ấm áp và mắt thầy vẫn lấp lánh lúc nhìn cô. Hai thầy trò tán đủ chuyện, từ chuyện văn, chuyện nghề, chuyện những người xưa năm cũ đến chuyện những con phố cổ.

Thầy lấy sách ký tặng cho mình, một cuốn thơ Anh được thầy sưu tầm, dịch và chú giải. Những bài thơ lúc sóng sánh tình trong từng con chữ, lúc an nhiên tĩnh tại trong dáng vẻ của những ngôi nhà, làng mạc, nhà thờ và cánh đồng xanh biếc mù sương. Nhìn thầy cô chậm rãi  uống trà và nói chuyện về thơ, về phố về làng Hà Nội,  bỗng thấy mình như trẻ lại, thành cô bé ngày nào đeo cặp chạy tung tăng theo hàng cây bàng trên phố Sinh Từ đến lớp những sớm mai. Những người như thầy cô, như mẹ mình chính là hồn phách, là phần trong lành của tháng của năm. Họ sống hồn nhiên nhưng kiên cường qua cả những ngày bình yên và dông bão, làm những việc họ say mê, đi con đường họ chọn đến tận cùng, cho đi và nhận lại bằng tấm lòng rộng mở.

***

Cứ vững lòng mà sống cho ra sống thôi Hà nhỉ. Cứ sống tận lòng trong hiện tại để mình là phiên bản trung thực nhất của mình, để cuộc đời mình đang có thực sự là cuộc đời mình muốn có, để những gì đang có là điều tốt đẹp nhất mình có thể tự tạo ra cho mình và những người xung quanh ngay lúc này, để khi đứng trước những thay đổi đang đến, dù tốt hay xấu, mình có thể nói “Tôi đã thực sự sống những ngày tươi đẹp nhất tôi có thể”.

Việt Hà

Những mảnh của một hiện thực khác-Pieces of a different reality

Genderchats

Mình có một nhu cầu mạnh mẽ là tìm kiếm những bản ngã rất khác nhau trong bản thân mình, những mảnh hiện thực khác nhau của thế giới mình đang sống.

005Bác Phó Đại sứ về nước, bán 4 bức tranh của Peter Max, được mua từ hồi bác còn làm tổng lãnh sự Đức tại Atlanta năm 1990.Những bức tranh vẽ theo trường phái lập thể, khi nhìn thấy giống những mảnh của một hiện thực khác, một không gian khác được cắt ra mang tới cho mình. Cô bạn cùng cơ quan thấy mình viết thư hỏi mua, bảo “Tranh của bác này nghuệch ngoạc hơn tranh con em vẽ, dở hơi mới bỏ tiền ra mua.” Mình không đáp, chỉ nghĩ “Chị có mua tranh đâu, chị mua thứ khác”.

bữa tốiMỗi năm mình đọc truyện của một tác giả, đọc nhiều đến mức có thể hiểu…

Xem bài viết gốc 520 từ nữa

Mùi mẹ

Genderchats

Hồi nhỏ, tôi thích nhất những hôm mẹ gội đầu. Tóc mẹ đen dài, sũng nước, thơm mùi lá bưởi.  Mẹ vuốt tóc ra phía trước, duyên dáng vung tóc xoay tròn vẩy nước. Nước bắn ra từ tóc mẹ như mưa, thơm phức, dịu ngọt, tràn đầy nữ tính. Mùi tóc mẹ mãi theo tôi ám ảnh, như nỗi nhớ, như khái niệm mơ hồ và mảnh mai về vẻ đẹp đàn bà, về mẹ.

Chị gái tôi sinh con được một tháng thì phải đi công tác xa, đêm cháu tôi hờn không dỗ nổi. Anh rể đành cầu cứu mẹ. Mẹ tôi sang, lục tủ lấy cái áo mặc ở nhà đã cũ của chị, ấp vào ngực cháu, ôm nó ru ời. Thế là con bé dịu lại, nấc hờn rồi ngủ thiếp ngon lành. Con bé nhớ mẹ, và nỗi nhớ ấy được định…

Xem bài viết gốc 403 từ nữa