Những cây cầu

“Như cành phong non chiều xưa em nép vào anh 
Vừa thấy yêu thương giờ hóa xa lạ” 

Đã 4:00 giờ sáng. Mất ngủ và mải mê nghĩ về những cây cầu. Chồng chị vắng nhà. Anh đi chụp ảnh với những chiếc máy ảnh tuyệt đẹp và tinh xảo đựng trong túi da lạc đà, với những người đàn ông coi chụp ảnh là một thú chơi và những người phụ nữ quàng khăn lụa Hermes sưu tập đàn ông thông minh và máy ảnh đẹp như đồ trang sức. Thế giới ấy không có chị, người phụ nữ 40 đi chiếc xe máy 11 tuổi , để cùng một kiểu tóc suốt 7 năm, dùng mãi một chiếc máy ảnh Sony bán tự động mốc ống kính để chụp trẻ con bà già và những cây cầu chị đã đi qua. Hôm nay chị tự hỏi, mình thuộc về thế giới nào của anh?DSC07177

Những cây cầu cong và hẹp qua những con suối ngầm xanh um cây bụi. Những cây cầu bê tông xám mốc rộng thênh thang chạy trên cao thành đường lớn không bóng cây trong nắng hanh vàng. Cây cầu bắc ngang hai bờ cong của vịnh biển mênh mông nước xanh và tàu cá. Và cây cầu nhỏ có chị đứng đợi mòn mỏi, nhìn nước chảy dưới chân tự hỏi “Mình đợi đến bao giờ?” Tự nhiên chị nhớ tới cây cầu chị từng đứng trú mưa và cuộc nói chuyện của hai người lạ kiệm lời. Người phụ nữ bảo “Em không cần.” rồi im lặng. Người đàn ông đáp “Nhưng anh cần.” và lặng lẽ cầm ô đứng sau che cho người phụ nữ suốt cơn mưa. Chị từng băn khoăn họ là gì trong thế giới của nhau và liệu có ai đứng cầm ô che mưa cho chị trong gió rét ngay cả khi chị không cần đến.

Mà hình như chị đã đặt câu hỏi sai? Đáng ra phải hỏi “Anh thuộc về thế giới nào của chị?” Và “Chị có thể làm gì thay vì đợi?” Chị hoàn toàn có thể mua được dăm chiếc máy ảnh loại vừa, lái một cái ô tô không quá đắt, dùng khăn lụa Hermes và đi chơi cùng những người đàn ông thông minh khác. Nhưng chính chị đã chọn không tham gia trò chơi xa xỉ đó, chính chị thấy thoải mái hơn khi mặc một cái váy đen vải cotton rộng thùng thình và đi xăng đan đế trệt loại thường, để kiểu tóc dài buộc túm tiện lợi và dùng chiếc xe cũ đã cùng chị rong ruổi suốt nhiều năm.Thế giới của chị là do chị chọn, cũng như anh có cách sống của riêng mình. Anh có thể chọn là một phần của thế giới ấy, cũng có thể không. Chị chỉ có những ngày hữu hạn cho niềm vui của mình, thế sao không dùng nó để vui và làm những điều chị thích thay vì đứng ở cây cầu nào đó đợi và lo lắng buồn phiền.

Có lần chị đã kể cho chồng về “Những cây cầu ở hạt Maddison”, câu chuyện anh chưa từng đọc về Francessca, một cô giáo trường nữ sinh bỏ dạy theo chồng về nông trại sống cuộc đời yên ả cho tới ngày gặp hắn, gã đàn ông 52 tuổi tên Robert Kincaid, nhiếp ảnh gia của những vùng đất mới và những cây cầu. Chị đã bảo với anh, rằng chị căm ghét Francessca bởi cô đã ở lại với chồng thay vì bỏ đi cùng Robert, bởi cả 3 người họ xứng đáng một cuộc đời hơn thế. Rằng chị ghét Francessca còn nhiều hơn khi cô bảo đã ở lại vì Richard chồng cô, bởi chị tin cô ở lại không vì ông mà vì chính cô muốn vậy. Chị đã kể cho anh nghe về Richard-nhân vật phụ, người đàn ông chân thành yêu vợ mà không biết bà dành cả phần còn lại của đời mình tơ tưởng những cuộc ái ân với một người đàn ông khác. Anh im lặng lắng nghe và hình như hiểu điều chị muốn nói.

Những cây cầu bắc ngang khoảng cách, nối liền hai thế giới tách biệt. Cả đời mình chị say mê xây những cây cầu mà quên mất, ngay cả khi đã có cầu ở đó, người ta vẫn có thể chọn không bước chân qua. Sẽ là vô ích nếu chị cứ đứng mãi cạnh một cây cầu và chờ đợi một người đã đi sang ngả khác, sải chân trên những cây cầu khác, không quan tâm chị đã xây cả một cây cầu, đã đứng dưới mưa chờ đợi.

Đã 6:30 phút sáng và những cây cầu bắt đầu mờ nhạt trong tâm trí nhòe mưa ướt của chị. Chỉ còn dáng chị đang bước đi xa khỏi những cây cầu.

Phạm Việt Hà

Tháng 8 năm 2014

(Bài viết cho tạp chí Tư vấn Tiêu dùng số tháng 10 năm 2014)

Rơi

Nàng bước hụt, trọng lượng lệch hẳn về một bên, cả cơ thể mất đà đổ  nghiêng vào khoảng trống trước mặt. Một bàn tay lạnh buốt đẩy nhẹ lưng, đủ để làm nàng lao thẳng vào khoảng không dưới chân, rơi vào bóng tối không đầu không cuối. Càng cố cưỡng lại, cơ thể nàng càng rơi nhanh, càng mất tự chủ. Bóng tối đặc quánh lạnh giá như lụa đen quấn chặt lấy cơ thể, bóp nghẹt hơi thở, hút cạn lý trí. Đầu óc trống rỗng, cảm xúc trống rỗng. Nàng bỗng thấy mệt và buồn ngủ khủng khiếp, hai mắt sụp xuống, cơ thể lạnh dần, cả cảm giác cũng không còn nữa. Nàng buông xuôi và rơi!

Trong bóng tối, có gì đó ấm áp ứa ra từ đáy mắt, cuốn lấy nhau thành giọt, trào qua khóe mắt, lăn xuống gò má đã lạnh giá, chạm vào bờ môi đã tái nhợt, truyền hết hơi ấm rồi biến mất trên làn da nứt nẻ. Hơi ấm của giọt nước mắt nhỏ chỉ đủ hồi sinh một tế bào, làm mềm một chấm da khô trên bờ môi trong chốc lát. Một giọt nữa tràn qua khóe mắt, lăn dài trên má. Thêm một giọt nữa, rồi thì dòng nước mắt  tuôn trào không dứt, loang trên mặt, tràn qua môi, chảy cả vào miệng người đang rơi.

Vị mặn và và hơi ấm đánh thức giác quan, đánh thức lý trí, đánh thức khát khao được sống. Nàng cố mở đôi mí mắt trĩu nặng, cố nhớ ra mình là ai, cựa nhẹ. Nàng thả lỏng, dang tay, co người lấy thăng bằng. Vị mặn vẫn còn trên khóe môi, nước mắt vẫn chảy tràn trên má.

Nàng khẽ mỉm cười, có gì đâu nhỉ. Bay thôi!

Nàng dang tay, căng người, nhún chân. Cơ thể giờ nhẹ nhõm, những dải lụa đen bóng tan chảy trên thân,  dưới chân nàng. Đôi môi ấm dần, đỏ thắm cùng mắt đen lấp lánh. Cả mái tóc cũng không còn nằm bẹp xơ xác mà bay mềm theo chiều gió thổi. Những lọn tóc dài mềm mại xòa rộng, xếp thành cánh buồm hứng gió. Nàng bay chầm chậm, lướt trên tiếng gió gào. Những tia nắng bỗng đâu xuyên qua bóng tối, chiếu xuống khuôn mặt người thanh thản.

Đêm qua tụt huyết áp trong khi ngủ. Mơ đến thế thì tỉnh dậy, nước mắt vẫn còn trên má. Đi uống một cốc nước mật ong nóng và thuốc rồi vào ngủ tiếp. Ngủ thôi!

Phạm Việt Hà

Tháng 8 năm 2014

Thiện chí

” Be part of the solution, not part of the problem.”

Lần này vào Sài Gòn, mình có vài việc phải làm.

Một là đi dự một hội thảo về đổi mới giáo dục đại học của nhóm các giáo sư Việt ở nước ngoài về tổ chức, nhiệm vụ là nghe để lấy thông tin đầu vào cho một dự án đào tạo. Người ta đã cố tình tổ chức hội thảo trong một lãnh sự quán để đảm bảo tự do ngôn luận, người ta đã nhắc trong lời khai mạc rằng đây là chỗ để các nhà khoa học nói thẳng nói thật, hiến kế cho giáo dục nước nhà, là chỗ các quan chức cởi cái áo khoác chính trị của mình mà đối thoại thẳng thắn. Thiện chí là tạo ra một cuộc đối thoại thành thật, là chia sẻ và học hỏi, là giải trình cho rõ ràng nguồn ngọn để người nghe người nói hiểu rõ cái khó mà cùng nhau gỡ.

Cả người nói và người nghe đều đã nói bằng sự thành thật nhất có thể về điều mình biết, nghĩ, mong giúp người trong cuộc tìm ra lời giải cho chính vấn đề của mình, hệ thống của mình. Họ chỉ ra cái xấu cái dở với niềm tin là điều họ nói sẽ được lắng nghe, và người nghe sẽ làm điều gì đó để thay đổi.  Người mình thán phục nhất trong hội thảo lần này, không phải là nhóm giáo sư tài giỏi nhiệt huyết, đã bỏ tiền của thời gian chất xám của mình làm ra một hội thảo thế này, mà chính là mấy vị quan chức đã đến, kiên nhẫn ngồi nghe, trả lời bằng những gì họ biết và đối mặt với cả núi những lời chỉ trích từ nhiều phía. Mình tự hỏi họ sẽ phải nhận bao nhiêu cú điện thoại, bao nhiêu câu hỏi sặc mùi chính trị khi trở về phòng làm việc sau hội thảo này vì đã dám đến, vì những điều họ nói.

Hội thảo hôm trước, hôm sau các báo đồng loạt giật tít đăng ảnh mấy vị chủ tọa mặt mũi nghiêm trọng, còn trích dẫn phát ngôn theo kiểu sặc mùi đấu tố. Nếu không có mặt ở hội thảo, hẳn ai cũng nghĩ họ đang có cuộc chiến mà bên này là diễn giả gươm kiếm chĩa thẳng, mặt mũi hằm hằm kéo theo một bầy đại biểu từ các trường đại học quyết giết cho bằng chết mấy ông quan lớn đầu ngành. Họ giật tít bán báo câu view, không nghĩ đến chút mỏng manh thiện chí mà họ đã phá vỡ giữa những người trong cuộc, không đếm xỉa đến những phiền toái rắc rối mà mấy vị giáo sư nọ có thể gặp phải trong những nỗ lực giúp đỡ người Việt trẻ. Báo chí làm việc họ muốn làm để kiếm điều họ muốn, kệ chút lòng tin le lói vừa được nhóm lên bị dìm chết chìm ngay trước mặt.

Mình thích phần vị giáo sư trưởng nhóm nói ở cuối buổi còn hơn cả phần trình bày chính của anh, bởi anh đã nói với sự chua xót và thất vọng của một bác sĩ đang tìm mọi cách cứu chữa cho con bệnh mà bệnh nhân lại lại khủng khỉnh bỏ thuốc đi nhậu. Anh bảo cái chúng tôi đang cố làm là xây dựng văn hóa trung thực, là xây dựng niềm tin giữa những người trong hệ thống giáo dục, niềm tin của từng nhà khoa học với nhau, của nhà khoa học với người làm chính sách. Các bạn làm báo ạ, các bạn đang phá hỏng nó đây này.

Việc thứ hai mình phải làm là đến một tạp chí thời trang nước ngoài mở tại Việt Nam. Ai đó đã lấy một bài trên blog của mình gửi cho tờ báo nọ để đăng trên Facebook. Không phải lần đầu người ta lấy bài của mình đem đăng báo mạng hoặc các diễn đàn rồi tự nhận là tác giả. Mình chỉ buồn cho thói háo danh làm mờ mắt họ, chẳng kiện cáo bao giờ. Nhưng lần này, nghĩ đi nghĩ lại, để người xấu cứ mãi làm việc xấu thì mình cũng chẳng ra gì, nên viết thư cho tòa soạn yêu cầu làm rõ sự việc. Thư đi hôm trước, hôm sau có ngay trả lời, nhận lỗi và xin lỗi rất rõ ràng. Bài viết được gỡ bỏ trên Facebook, nhưng tòa soạn từ chối cung cấp thông tin kẻ đã mạo danh. Mình đành mời luật sư cùng họp với tòa soạn để hỏi  cho tường sự việc. Anh bảo, “chị muốn tôi yêu cầu họ bồi thường thế nào?” Mình đáp, “tôi không cần bồi thường, họ đã nhận lỗi, tôi chỉ muốn biết ai đã làm việc đó vì tôi muốn người đó biết họ đã sai và phải sửa.”

Tiếp mình là một phụ nữ trẻ xinh đẹp chịu trách nhiệm về biên tập. Sau một hồi trao đổi, cô đồng ý với cả hai yêu cầu của mình. Cô bảo, “Em hiểu cảm giác của người viết ra bài rồi bị người ta lấy mất. Báo bọn em sai, bọn em sẽ đính chính.” Sau buổi họp, luật sư cằn nhằn việc mình hiền quá, chả chịu đòi bồi thường, cũng không yêu cầu bên kia ký biên bản họp như đã thống nhất từ trước, nhỡ họ hứa vậy mà không làm vậy thì sao. Mình chỉ cười, mình tin là người phụ nữ kia thiện chí và hiểu thiện chí của mình.

Sau nhiều lần thất bại thê thảm vì hiếu thắng, vì bới móc nguyên nhân hay tìm người đổ lỗi khi có chuyện thay vì tìm cách giải quyết vấn đề, mình nhận ra rằng mình luôn có thể chọn. Chọn là kẻ khiến chuyện khó càng thêm khó giải, chọn đứng khoát tay bĩu môi dè bỉu phân tích này kia nhưng chẳng làm gì, hay chọn xắn áo lên cố sức tìm hiểu giải quyết vấn đề bằng thiện chí. Lựa chọn cuối cùng vừa khó vừa mệt lại chẳng oai phong, nhưng là lựa chọn khiến mình không bao giờ ân hận khi nhìn lại, bởi nó nói rằng mình đã dám tin và đã cố.

Thế mới nói, lựa chọn của bạn sẽ nói to rằng bạn là ai.

Phạm Việt Hà

2 tháng 8 năm 2014