Gió

DSC01081Mình rất thích gió! Đứng cạnh biển nghe gió đập vào sóng, sóng dội vào vách đá, vách đá ngân nga hát.  Đứng trong rừng thông cao ngút mắt nghe gió ào ào chạy qua lá, uốn cong cành, níu ngọn cây, bay vút lên mây. Đứng giữa đồng cỏ cảm gió cuốn dưới chân như chuẩn bị nâng mình bay lên, quấn quít quanh cơ thể, nghịch rối tóc mềm, dịu dàng lướt qua má, thấy như người yêu đang ở cạnh. Nằm trên ghế bố trong vườn cây giữa trưa hè, nghe tiếng gió rì rầm kể chuyện tình cho nắng, nghe nắng lao xao đỏ ửng thẹn thùng, nghe tiếng chim gù giữa trưa, thấy đời yên bình thư thái.

DSC01276Có những thành phố nhiều gió, bước xuống máy bay đã thấy gió xiêu người. Gió thổi không nguôi từ sáng tới chiều không biết mệt, đêm vẫn rì rào ầm ào ngoài cửa như đứa trẻ tăng động mải chơi. Gió thổi bay quần áo phơi sân sau, kéo sương sớm tràn vào ô cửa mở, thổi tung váy lụa hớ hênh bước lên cầu thang nhỏ, cuốn tiếng cười khanh khách của trẻ bay khắp khu nhà, mang mùi nấu nướng từ bếp bà cụ già ra phố, trêu chọc anh chàng đạp xe ngược gió, ngó nghiêng rồi xà xuống lòng bà mẹ đang bế con trước cửa hàng ăn. Những thành phố ấy thường cũng nhiều nắng nhiều cây, nhiều mây nhiều nước, gần biển gần rừng. Mỗi lần đến mình đều thì thầm mừng rỡ, mỗi lần đi đều ngẩn ngơ mang đi chút yên bình, để lại chút nhớ thương.

DSC00373Có những nơi  mình đến, không khí như chết lặng ngục tù trong những bức tường thành phố. Những khu phố đông nghịt người đi lại nhưng không có chút gió lướt qua, không có tiếng cười vang của trẻ, chỉ có tiếng ho khù khụ của ông cụ hành khất rất già, nằm cạnh cái ống bơ đựng những đồng xu bố thí. Những người đi làm về muộn lặng lẽ như những bóng đêm không linh hồn, lướt qua người hành khất, lướt qua người đàn ông say rượu đang lần tường bước, loạng choạng ngã lăn trên sàn lạnh. Không ai dừng lại, không ai hỏi, họ nhẹ nhàng lách người qua chỗ hai người đàn ông nằm, đi tiếp những bước đi nhẹ nhàng nhưng vô cảm.

2015-05-10 10.29.28Mình thích những nơi nhiều gió, thích cả những tiếng reo vui trong gió trên những quảng trường rộng chiều ngày thứ 6 ở trung tâm thành phố Melbourne. Chú hề bôi mặt tung bóng chạy loanh quoanh, miệng hét vang “Thứ Sáu rồi, ơn Chúa!”. Mọi người chẳng ai vội về sau một ngày làm việc, đủng đỉnh bước đi, nán ngồi trên ghế gỗ đặt dọc hè phố, nghe ban nhạc Mexico chơi những bản dân ca tình tứ, nhìn ngắm nhau, nhìn ngắm bầu trời trong veo, xanh thẫm sâu thẳm, bù cho cả một tuần mệt nhọc. Mình thích tiếng đàn phong cầm và kèn amonica trên quảng trường đá ở Tampere đêm trắng tháng 5. Mười một giờ đêm trời vẫn còn ánh nắng, ban nhạc nhỏ vẫn chơi và những cặp tình nhân vẫn nắm tay nhau đi dạo dọc kè hồ trải dài màu xanh ngút mắt, những người đàn ông ngồi nhâm nhi đồ ăn và bia trên những bàn ăn của terrace café đặt dọc vỉa hè. Mình gọi một cốc trà bạc hà và ngồi ngắm bầu trời đêm xanh trong bồng bềnh mây trắng, một mình ở giữa những người lạ sau 32 giờ di chuyển, không muốn ngủ cũng chẳng muốn về phòng.

Bên hồHôm nọ mình lại được đến một nơi nhiều gió, bao quanh là biển, những bến tàu,nước, nắng vàng và những con phố cong lên xuống theo triền dốc, bờ biển cong uốn theo làn nước, và những mái tóc bồng bềnh cong theo nhịp bước chân. Mình lại đi trên một chuyến sky train ào ào gió chạy ngoài cửa kính, và nghe thấy tiếng người đàn ông reo vang ở nhà ga  phố Burrard “Ơn Chúa, đã lại là thứ Sáu!”. Lại nghe tiếng hát tình ca của những người đàn ông say, theo gió từ quán bar Hy Lạp đối diện vọng vào phòng giữa đêm khuya vắng. Lại bập bềnh giữa vịnh xung quanh chỉ có gió, nước và mây. Mình nhận ra là thời gian trôi nhưng mình vẫn thế, vẫn thầm mong những cơn gió thổi về, vẫn khát khao được nghe tiếng sóng vỗ trong lời của gió.

Phạm Việt Hà

Tháng 5 năm 2014

Tạo vật hòa bình

Mỗi chuyến đi xa, mình đều gặp rất nhiều phụ nữ tuyệt vời. Hôm nay đến Langley gặp hai bà mẹ hai con  và hai bà có tới bốn con, đều dạy con thành những người lớn tự lập, mạnh mẽ, cực kỳ hiểu biết. Họ yêu đời, tràn đầy năng lượng và chăm sóc khách cực kỳ chu đáo.Họ cũng đều là những giáo viên, điều phối viên, hiệu trưởng say sưa với bọn trẻ cả ngày.

Trên đường về, mình trộm nghĩ, nếu trân trọng, trao cơ hội, khuyến khích và ủng hộ phụ nữ, chúng ta hẳn sẽ có  những đứa trẻ hạnh phúc và yêu đời, và chúng hẳn sẽ tạo ra một thế giới yên bình, phồn thịnh hơn.  Đa phần phụ nữ thường không màng thắng thua, hay vinh quang, họ quan tâm chuyện được-mất nhiều hơn, mong có một mái ấm, một cuộc sống hạnh phúc và bình yên với gia đình con cái nhiều hơn. Phụ nữ thường không quá thèm khát quyền lực hay tiền bạc, họ quan tâm đến con cái, đến số phận con người gần gũi họ. Đa phần phụ nữ cũng biết quán xuyến, làm nhiều việc một lúc, biết cất gạo phòng xa, biết lùi khi cần chứ không chỉ tiến và vì thế họ tạo ra cuộc sống bền vững ổn định hơn. Đa phần phụ nữ biết yêu thương, giàu lòng trắc ẩn và trân trọng yêu thương hơn mọi thứ khác trên đời, nên họ sẽ tạo ra năng lượng yêu thương quanh họ, trong con cái và những người bên họ. Phụ nữ chính là những tạo vật hòa bình.

Không tin, cứ nhìn quanh xem, ở đâu phụ nữ bị coi rẻ, ở đâu mọi quyết định đều do đàn ông kiểm soát thì đều có xung đột, nghèo đói và chiến tranh, cứ nhìn Trung Đông, châu Phi, châu Á thì biết. Hình như trong từng gia đình cũng thế. Cứ nhìn những đứa trẻ trong những gia đình bị thống trị bởi những người đàn ông gia trưởng và lạnh lẽo trong khi những người phụ nữ thì lụi cụi lầm lũi câm lặng sớm hôm, chúng cũng lạnh lẽo và cô độc nhường nào. Bởi người phụ nữ chính là hơi ấm của mỗi gia đình.

Phạm Việt Hà Viết nhanh trên đường. Tháng 5 2014

Sợ

Cả tháng nay biển Đông dậy sóng. Cũng cả tháng rồi tôi âm thầm sợ.

Con trai tôi 17 tuổi, hiền hậu lương thiện, mắt cận tám độ loạn ba độ rưỡi, vẫn là một cậu bé đang học làm người lớn. Đầu tháng bác tổ trưởng mang giấy gọi nhập ngũ đến nhà, mẹ đi làm không biết. Con trai  tự điền tờ khai, hôm sau dậy sớm lẳng lặng ra phường đi đăng ký nghĩa vụ quân sự. Mẹ hớt hải chạy theo, con chỉ bảo “Mẹ về đi, đây là nghĩa vụ mà.”

Đã hai năm nay gia đình cùng cháu lập lộ trình học tập, giúp con định hướng nghề nghiệp sau này. Những dự định bình thường tưởng là đương nhiên ấy, chỉ một cuộc xung đột là có thể bị vất bỏ, và con tôi có thể sẽ phải cầm súng đối mặt với cái chết, máu đạn, những thứ cháu không bao giờ tưởng tượng nổi sẽ tàn nhẫn và đau khổ thế nào.Tôi không thể giải thích với cháu về chiến tranh, bởi chính tôi cũng chưa từng sống trong chiến tranh, bởi nỗi sợ hãi của tôi chỉ là nỗi sợ hãi của một bà mẹ đã quen sống cuộc sống bình yên, chưa từng là người trong cuộc.

Tôi sợ hãi cái có thể đang đến, thứ nó có thể lấy đi, nghẹn ngào khi nghĩ tới những chuyện khủng khiếp có thể xảy ra với con tôi và con nhiều người mẹ khác.  Những người đàn bà bình thường như tôi không ai màng  chuyện thắng thua, vinh quang, chính trị hay quyền lực, chỉ mong được nuôi con mình khôn lớn trưởng thành trong yên bình, vun đắp một mái nhà ấm áp và được người đàn ông của mình yêu. Những người đàn bà như tôi vẫn luôn quàng tay ôm chặt, mong lấy  đời mình che trở cho con những lúc sóng gió. Những người sẽ bị giằng xé không yên từng giây từng phút, nếu con mình phải bước vào nơi nó có thể bị làm đau, bị thương, bị đói khát hành hạ. Nhưng tôi không thể ngăn con mình khi chính cháu muốn thực hiện nghĩa vụ của mình, bởi trong thâm tâm tôi biết cháu đang làm một việc cần làm, rằng cháu đúng.

Có thể biển Đông sẽ không còn dậy sóng. Có thể Việt Nam có chiến lược đấu tranh ngoại giao lâu dài thay vì xung đội vũ trang, và con trai sẽ vào trường đại học thay vì đi lính. Có thể mọi lo nghĩ của tôi sẽ bị ông xã cười là đồ đàn bà nghĩ quẩn. Tôi cũng chỉ mong có vậy!

Phạm Việt Hà

Tháng 5 năm 2014

 

Tự do bé nhỏ

 (Bài viết cho tạp chí Tư vấn và Tiêu dùng-Thời báo Kinh tế số ngày 20 tháng 5 năm 2014)

78377688370

 

 

 

 

 

Bố từng bảo, cuộc sống giống như một bài quyền, để có thể đi vững vàng phải nắm rõ và tập luyện từng động tác. Chỉ khi nào đã có thể đi nhuần nhuyễn đúng luật mới có thể phá cách mà tạo ra thế mới. Mình học chơi theo luật rất dễ dàng nếu cho mình biết rõ luật chơi, đặc biệt là trong công việc. Từng ấy năm đi học đi làm, mình hiếm khi đi muộn, hiếm khi vi phạm quy định cơ quan, đã nhận việc gì thì cố làm cho đúng hẹn. Mình hiểu giá trị của kỷ luật, của cam kết và luôn cố gắng tuân thủ. Ở những nơi, những lúc, với những người, khi thấy luật chơi quá ư bất cập hoặc bất công, mình sẽ nói rõ và từ bỏ, nhưng chừng nào còn theo thì mình còn tuân thủ. Ít nhất mình biết, ngay cả khi không thể tự do chọn luật chơi, mình vẫn có quyền chọn tham gia hay từ bỏ một cuộc chơi. Đấy cũng là một thứ tự do.

Mình lấy một ông chồng mà tự do đã nằm trong máu hắn. Hắn không thể làm công việc ngồi tám tiếng đút chân gầm bàn, hắn căm ghét kiểu chấm công ăn tiền hay  những quy trình báo cáo chi li củ tỉ. Hắn giỏi nhất khi giao cho hắn một việc và mặc hắn muốn làm thế nào để ra kết quả thì làm. Hắn không thể sống nổi nếu không ra khỏi nhà mỗi ngày để tung tăng trên phố, sẽ phát điên nếu không thi thoảng vác túi lên núi xuống biển dăm bữa với hội bạn hoa chân  hơn hẳn hoa tay, cả bầu không khí mà hắn thở, cũng phải gắn với trời đất và đậm mùi đời, mùi sự sống.  Mình biết thế, nên không can thiệp hay cằn nhằn. Mình đã cưới cả hắn và gã trai tự do trong hắn, nên không từng nghĩ sẽ kiềm tỏa hay kiểm soát chồng bởi mình biết hắn sẽ chết từ bên trong nếu mất tự do. Nhưng mình muốn hắn biết, vợ hắn cũng là kẻ tự do.

Hôm trước, vừa nhổ những sợi tóc bạc đầu tiên trên đầu hắn, vừa nghe hắn kể về những chuyến đi  xa, mình bảo “Em sinh ra cũng là kẻ tự do, chỉ là theo cách khác anh, bởi tự do tồn tại dưới nhiều dạng và nhiều tầng. Anh tìm kiếm tự do trong hành động và bầu không khí quanh anh, còn em tự do trong ý nghĩ và tình cảm. Nó nguy hiểm hơn và tuyệt đối hơn ở chỗ không ai nhìn thấy, không ai để ý, không ai biết hay kiểm soát được.” Hắn bỗng thần người suy nghĩ.

Hồi nhỏ, có lần bị mắng, mình ngồi im cúi đầu nghe hai ba tiếng không cãi câu nào. Bố mắng chán, hỏi “Thế từ nãy đến giờ bố nói mày có nghe thấy gì không hả?” Thực ra, mình lúc đầu nghe chăm chú, nhưng rồi đầu óc bắt đầu lang thang nơi khác, tưởng tượng những chuyện đẩu đâu. Một lúc lâu, quên mất là đang bị mắng, còn nhe răng ra cười, làm bố cáu vụt cho mấy roi đau quắn. Bọn bạn mình hình như cũng toàn làm thế. Nhờ  vụ đó, mình phát hiện ra là dẫu hành vi và thân thể của mình có thể bị kiểm soát, nhưng trí tưởng tượng và ý nghĩ của mình hoàn toàn tự do, bởi hoàn cảnh-thời gian- không gian không thể kiểm soát được nó.

Khi phải nói, mình luôn cố nói điều mình nghĩ, không phải điều người khác thích nghe. Nhưng mình tin im lặng cũng là một thứ quyền. Lời nói và im lặng luôn song hành như hai biểu hiện đối lập của tự do cá nhân, tự do tư duy và tình cảm. Khi một ý tưởng hình thành trọn vẹn trong đầu, một tình cảm được xác định rõ ràng, một sự việc được nhìn thông suốt, mình thường viết, như một cách mình định nghĩa cuộc sống, buông bỏ những gì không muốn giữ trong lòng, lưu giữ những khoảnh khắc quý giá và kể những câu chuyện mình yêu thích. Nhưng những ai từng viết lách chút ít cũng đều biết, thứ ta viết ra được là đã vượt qua được. Thử thách không nói được thành lời là thử thách ta còn đang vật lộn, tình cảm không nói với ai là tình cảm ta trân quý nhất, nỗi đau không  chạm tới là vết thương khó hàn gắn nhất, bởi  ta giữ nó ở một góc riêng sâu nhất cho một mình ta. Cái góc riêng mang tên Im Lặng ấy ai cũng có, là phần tự do riêng tư nhất, cũng là nơi nhốt lại nỗi cô đơn sâu kín nhất của mỗi người.

Dần dần, dù mình có phản đối hay không, nói ra hay im lặng, thì những ý nghĩ của mình luôn là của mình. Mình đi học, ít khi ghi lại lời giảng của thầy, những thứ đó có thể đọc trong sách rất nhanh, chỉ ghi lại quan điểm của mình với những thứ mình đang nghe, những câu hỏi nảy sinh trong đầu, những thông tin cần kiểm chứng và cả những ý tưởng mới. Đọc một tài liệu hay theo dõi một cuộc tranh luận, mình cố gắng rành mạch giữa quan điểm và chân lý, giữa lập luận và ý kiến, và luôn có cách nhìn nhận riêng. Yêu ai, ghét ai, sai đúng phải trái, hình như mình đều tự quyết định lấy chứ không để ai áp đặt. Những gì xảy ra xung quanh ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định, chứ không ảnh hưởng được đến quyết định cuối cùng. Và vì mình biết những gì mình chọn đều là quyết định của mình, nên mình chẳng bao giờ hối tiếc, dẫu xấu tốt, hay dở, sai đúng, cũng đều là trách nhiệm của riêng mình. Tự quyết cũng có nghĩa là tự chịu trách nhiệm.

Tối qua con trai hỏi  “Nếu con không đồng ý với phần phân tích của cô giáo về nhân vật Giăng-Van-Giăng và Gia-Ve (trong Những người khốn khổ) mà đề thi cuối năm lại đúng phần này, con có nên viết quan điểm của riêng con hay viết lại phần cô phân tích?”.  Thế là cả cuối tuần cứ vơ vẩn nghĩ về tự do.

Phạm Việt Hà

Tháng 5 năm 2014