Ngọn gió nhỏ và những cánh chuồn chuồn

Hồi nhỏ, tôi thường ước làm một ngọn gió nhỏ có đôi cánh trong suốt mềm mại, mạnh mẽ sải dài như cánh đại bàng. Trong những giấc mơ, tôi thấy mình bay qua cánh đồng rừng cây, khi nghịch ngợm níu ngọn tre già lúc thảnh thơi thả mình trên ngọn cỏ. Nghe bà ngoại kể rằng con người ai cũng có tiền kiếp, tôi tin rằng kiếp trước mình là gió và những ký ức của ngọn gió nhỏ ấy theo mình đến tận kiếp này.  Lớn hơn một chút, những lúc la cà ngoài bờ ao rìa ruộng, tôi lại say mê ngắm những chú chuồn chuồn cánh mỏng và trong như nắng cầu vồng nhởn nhơ bay lượn. Trí tưởng tượng của tôi theo lũ chuồn chuồn ngô, chuồn chuồn kim, chuồn chuồn ớt lang thang nơi rừng xa biển rộng tới những xứ sở chưa ai từng tới.

Lớn lên, lấy chồng sinh con tôi lại thấy mình giống như bụi táo gai, đâm rễ vào đất chắt chiu nhựa sống nuôi con, nép mình vào bóng cây thông lớn kế bên những khi gió bão. Tôi dần gắn bó với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, quyến luyến với từng món ăn quán nhỏ nơi góc phố, với bốn mùa thay đổi trên con đường đi làm, với mùi cà phê thơm dịu mỗi sáng đón tôi khi bước vào phòng làm việc và những người đã cùng tôi đi qua cả bình yên và bão tố. Những lo toan cơm áo chồng con công việc đã làm tôi quên mất ngọn gió nhỏ từng thổi trong tôi, quên cả những ước mơ tôi từng gửi theo những cánh chuồn chuồn mong manh trong nắng chiều gần tắt.

Con trai 7 tuổi đi dã ngoại với lớp mua về tặng mẹ một con chuồn chuồn tre sơn màu đỏ với những vân hoa nhỏ trên cánh. “Con chỉ đủ tiền mua có thế.”, con áy náy bảo. “Nhưng mẹ biết không, con chuồn chuồn này hay lắm, chỉ cần một điểm tựa ở đầu là nó có thể cân bằng cả thân mình trong trong không khí, trông cứ như đang bay ấy.” Nhìn con trai vui sướng nâng chú chuồn chuồn trên đỉnh ngón tay rồi khoát rộng cánh tay đưa chuồn chuồn lướt trong không khí, tôi thấy lại mình của những năm tháng đầy ắp trí tưởng tượng, ước mơ và sức sống, chợt thấy con gió nhỏ ngày nào lao xao thổi lại và những cánh chuồn chuồn trong suốt bay rợp một khoảng trời đỏ rực ánh hoàng hôn. Tuổi thơ của tôi sống lại nhờ chú chuồn tre trong tuổi thơ con nhỏ, lẽ nào tôi để những lo toan bộn bề vùi lấp một phần đẹp đến thế trong tôi lần nữa.

Những cơn gió trong tôi không nhổ bật rẽ của bụi táo gai đang trổ nụ, và những cánh chuồn chuồn không làm tôi thành kẻ vơ vẩn hão huyền. Chúng giống như điểm tựa nhỏ níu chú chuồn tre vào ngón tay hồng bé xíu của con trai, giúp cân bằng những áp lực lo lắng mà tôi phải chịu và nâng tôi vượt lên trên rất nhiều đố kỵ, bon chen phiền muộn. Thi thoảng tôi theo ngọn gió nhỏ đi xa để biết nhớ những gì tôi đang có và được nhìn thấy bầu trời không gian khác lạ, như chú chuồn chuồn nhỏ bay khỏi bụi táo già cạnh cái ao nó sống để đi chơi và khi cánh mỏi lại quay về tổ trên cành táo mảnh soi mình xuống mặt ao trong. Thi thoảng, tôi đem những con chuồn chuồn của mình tặng một vài người đặc biệt, những người hoặc đã giúp tôi thành người tử tế hơn hoặc tôi tin đã đánh mất điểm tựa của mình đâu đó trong những bước ngoặt không ngờ của cuộc đời. Từ đáy tim mình, tôi tin những chú chuồn chuồn tre sẽ giúp họ tìm lại ngọn gió lành từng thổi trong lòng họ và sự bình yên tĩnh lặng của đôi cánh chuồn chuồn soi trên mặt hồ thu.

Bạn đã tìm lại được ngọn gió của mình chưa?

Phạm Việt Hà
Tháng 11 năm 2017

Có ai đó nhìn em từ phía sau

Có người lặng nhìn em từ phía sau,
Ánh mắt như lửa ấm,
Em cà phê một mình bên khung cửa nắng,
Mỉm cười thật hiền
Người ấy cười cũng giống em.
***
Có nỗi buồn không tên
Lặng lẽ như hình bóng
Ánh sáng sau lưng, bóng đêm trước mặt
Đêm trắng thật dài, em làm bạn với ai?
***
Có tình yêu chạy song song,
Như hai đường ray tàu thẳng tắp
Toa tàu cuối đi qua, cố ngoái đầu nhìn lại
Đường tàu hai hàng đan lá dưới mưa bay.
***
Có nỗi nhớ mỏng tang
Rụng xuống chân em như cả ngàn cánh bướm
Trong suốt không màu, như mắt em buổi sớm,
Nỗi nhớ buồn, nỗi nhớ bay lên!
***
Thôi thì thôi, nỗi nhớ mỏng manh,
Thôi thì thôi, thành phố buồn tận cùng đêm trắng
Thôi thì thôi, mắt ai như lửa đắng
Tan hết thành giọt rượu đáy ly này.

Phạm Việt Hà

Mưa cuối thu-November rain

“And it’s hard to hold a candle
In the cold November rain”- Guns N’ Roses

Bước chân ra khỏi tàu, gió ùa vào mặt, lùa vào từng lớp áo. Cửa chính của nhà ga trung tâm Berlin rộng như một quảng trường và lộng gió, mưa nhỏ nhưng từng hạt đều lạnh buốt. Mấy cô gái người Syria đi tới. Họ còn trẻ và xinh đẹp, váy vải mềm dài phủ kín gót, khăn rộng quàng kín tóc và đeo túi nhỏ chéo vai. Cô trẻ nhất đến bên mình hỏi nhỏ “Cô có nói tiếng Anh không?” Mình gật đầu “Có. Tôi có thể giúp gì cô?”. Cô bắt đầu nói với mình bằng tiếng Anh rất rõ rằng cô ở Syria sang và đang rất khó khăn, cô cần tiền và mong mình giúp. Mình lấy ít tiền nhỏ đưa cho cô “Tôi không có nhiều, mong cô bình an.” Vừa lúc cô cán bộ người Đức phụ trách đoàn và anh phiên dịch đi tới, cô gái Syria vội vã cầm tiền đi về phía cuối quảng trường. Anh phiên dịch nhẹ nhàng nhắc “Em đừng cho tiền họ nhé. Những cô gái này kiếm tiền cho băng nhóm người Syria ở đây.”

Berlin luôn rất đẹp, ngay cả trong một ngày mưa lạnh cuối thu. Dẫu mưa táp vào mặt kính làm nhòa cảnh vật, hình ảnh một thành phố trải dài với rất nhiều công trình kiến trúc tuyệt đẹp và đồ sộ vươn trên nền màu lá vàng và đỏ rực vẫn khiến mình say mê. Điều mình thích nhất là người Đức không phủ nhận lịch sử. Họ bảo tồn và kể về những gì đã xảy ra, dù là vết nhơ hay niềm tự hào, như một sự thật khách quan của lịch sử. Berlin của kỳ thị và tha thứ, của độc tài và dân chủ, của chiến tranh và hòa bình, của chia cắt và hòa hợp, đau khổ và hạnh phúc hiện lên khi mình bước chân qua từng con phố, góc quảng trường, nhà thờ,bảo tàng, công viên. Móng cũ của bức tường Berlin trở thành một phần của những phố xá tấp nập, xe cảnh sát dẹp đường cho những người ủng hộ  Xô Viết biểu tình nhân ngày Cách mạng Tháng 10 Nga trên quảng trường Alexander, những đứa trẻ chơi nghịch bóng bay bảy màu cạnh đài phun nước tượng thần Neptune cạnh nhà thờ St Mary, những bà mẹ tranh thủ lúc mưa tạnh đẩy xe nôi đưa con đi dạo trong công viên Tiergarten, cặp vợ chồng già nắm tay nhau ngồi yên lặng bên những khối đá của Holocaust Memorial – khu tưởng niệm những người Do thái đã thiệt mạng trong thảm họa diệt chủng và đôi tình nhân trẻ ôm hôn nhau say đắm cạnh cây bồ đề lá vàng như lúa chín bên cổng tường đại học Humboldt.

Sáng nay T qua thăm mình ở Potsdam. Căng-tin ký túc xá cuối tuần đóng cửa nên mình rủ em ra đồng vừa đi dạo vừa nói chuyện. Cánh đồng buổi sáng tháng 11 trời đất một màu xám xịt, chỉ có cái khăn len của mình đỏ rực và tiếng cười em trong veo như chuông gió là vui. Hai chị  em nói chuyện về hạnh phúc và lòng tốt, về chị gái T-cô bạn gái thân thiết của mình, về những được và mất của cuộc đời, về trái tim đổi thay và một cuộc sống mới bắt đầu ở tuổi 40. Bạn mình và em đã trải qua nhiều biến cố có thể làm người ta gục ngã nhưng cả hai người phụ nữ trông rất yếu đuối ấy đều đã chọn vui với những gì mình có thay vì khóc than cho những gì đã mất. Em làm mình khóc rồi lại làm mình cười trong quãng chuyện trò ngắn ngủi trên con đường làng lộng gió. Mưa cuối thu đọng trên má và gió thổi tiếng cười của hai chị em tới cây bạch dương đứng giữa cánh đồng. Mình bỗng nhớ đến câu chuyện trong bộ phim từng xem, rằng hạnh phúc giống quả cầu pha-lê trên thiên đàng rơi xuống trần gian và vỡ tan thành tỷ triệu mảnh nhỏ. Nếu tìm, ai cũng đều sẽ thấy một phần của nó, những mảnh nhỏ lấp lánh chiếu sáng cuộc sống của mỗi người dù sẽ chẳng ai có thể nhặt hết những mảnh vỡ hay có được cả quả cầu bảy sắc.

Mưa nặng hạt mà mình lại quên ô. Chạy vội về ga để bắt kịp chuyến tàu về Potsdam cho kịp bữa tối với đoàn. Lạnh quá! May mà trên tàu rất ấm và người phụ nữ trẻ ngồi bên có ánh mắt thân thiện dịu dàng. Mình lặng lẽ mỉm cười. Chào mưa lạnh, chào cây bạch dương gió thổi giữa đồng và những đàn sếu kêu hoài tìm bạn. Sớm mai mình sẽ lên đường về nhà, về với mảnh pha-lê nhỏ bé của mình.

Phạm Việt Hà

12 tháng 11 năm 2017

Bay về nơi ấm áp

Anh yêu,

Nơi em đến trời lạnh, u ám và mưa nhiều.

cây bạch dương giữa đồngChỗ em học nằm cạnh một thị trấn vắng người, giữa những khu rừng nhỏ đang thay lá và một cánh đồng mênh mông. Cánh đồng được chia đôi bởi một con đường nhỏ có những bụi hồng dại nằm dọc lối đi và rặng táo già trơ thân đen chờ mùa đông lạnh tới. Cả cánh đồng mênh mông ấy chỉ có một cây bạch dương đứng giữu trời và đất và một ngôi nhà nhỏ trống huếch hoác nằm trơ trọi gió thổi tứ bề. Phía tường nhà hướng ra đường vẽ một trái tim đỏ rực và câu hỏi mở bằng tiếng Đức “Anh có muốn?”

do you wantBuổi chiều sau giờ học, em thường đi dạo xuyên qua làng tới nhà ga xép nối thị trấn với thành phố lớn và đứng ngắm những đoàn tàu vào ga. Hôm qua em bắt gặp một người đàn ông trung tuổi cầm bó hoa cúc trắng đón vợ (cũng có thể không phải vợ mà là cô người tình nhỏ bé), ánh mắt ông ấm áp khi ôm người phụ nữ  vào lòng và nụ cười của chị khi nép vào ông dịu dàng kỳ lạ. Em thích hình ảnh của họ, những người đang yêu nhau và còn có thể mang hơi ấm cho nhau. Em cũng thích ngắm nhìn những cô gái trẻ vội vã rời đoàn tàu rồi vừa đi vừa chạy để bắt kịp chuyến xe buýt đang chờ gần đó. Hẳn có điều gì quý giá đang đợi họ, hẳn là họ có một ngôi nhà ấm áp để trở về.

đàn sếu 5Ngày nào em cũng thấy những đàn sếu bay đi trú rét. Trong lớp học nhìn ra cửa sổ  thấy chúng bay ngang, tan học về đi dạo  thấy chúng vừa bay vừa kêu vang rối rít vội vã như thể sợ nấn ná chút thôi là mùa đông ập tới. Đêm ngủ vẫn nghe tiếng sếu kêu khắc khoải trong bóng tối đen sẫm ngoài khung cửa rộng.
Em nhớ nhà rồi! Em nhớ vòng tay ấm áp của anh. Em muốn như đàn sếu  bay về phương Nam ấm áp.
Em