Tình thân

Chớm Thu, những cây phượng  đổi sắc vàng, lắc mình rắc lá xuống đầu người đi như rắc cốm. Những cây bàng chín vàng từng chùm quả, hào phóng thả quả chín xuống hè cho bọn trẻ nhặt sau mưa. Ngoài kia, trên những con phố lấp lánh ánh đèn, các quầy bánh Trung Thu căng to quảng cáo “Tết Trung Thu-Tết của Tình Thân!”. Tôi bỗng giật mình. Chẳng lẽ tình thân giữa người với người ở cái thành phố này giờ đã nhạt nhẽo đến mức người ta phải căng quảng cáo khắp nơi thế sao?

Lâu lắm rồi, tôi không mời khách đến nhà chơi. Chẳng phải vì căn nhà đã cũ, sơn tường loang nổ những vết màu  nước, vô khối hình vẽ và cả vết ố do ống nước vỡ và mưa ngấm. Cũng chẳng phải vì tôi sợ khách đánh giá này kia căn phòng khách lộn xộn sách vở, cặp túi, đồ chơi của trẻ con và thuốc người già. Chỉ là thấy lòng mình chật hẹp hơn, chỉ là khi về nhà rồi, chỉ muốn khép cửa, tắt điện thoại, dành riêng thời gian cho chồng, con, bố mẹ. Cuộc đời trước tưởng dài, giờ đi quá nửa, bỗng đâm ra ki bo từng ngày tháng, sợ mình dùng thời gian hạn hẹp ấy chẳng đúng người.

Lâu lắm rồi, tôi không sang nhà bạn, gặp nhau chốc nhát những bữa ăn trưa ngoài quán. Ngày ngắn những lo toan, bạn và tôi quáng quàng bận rộn. Tối 6 giờ về vội vàng cơm nước, tay rửa bát miệng hô con cái học bài. Tắm táp nhanh nhanh còn dịch tài liệu kiếm thêm vài đồng rau cá. Thế là thành ra thêm một lần ngần ngại mỗi lúc đến chơi. Thi thoảng giật mình chẳng biết “nó” sống ra sao, vội vàng gọi nhau hỏi thăm qua loa rồi vội vàng cúp máy, quay lại với cơm–áo-gạo-tiền-chồng-con-chức tước. Chẳng mấy khi được ngồi thong thả nhắc chuyện xưa, uống ngụm trà ngon, hay chỉ là im lặng đứng cạnh nhau để chút tình thân một thời kịp về quấn quít.

Lâu lắm rồi tôi không về Ngõ Chợ, thắp nén nhang cho bố, ngắm lại ngõ xưa giờ thành phố, nhìn cây ổi trước nhà xưa xanh mỡ giờ cằn khô nhức nhối. Mỗi lần tôi về, mợ vồ vập như sợ tôi đi mất chẳng bao giờ trở lại, luôn miệng kêu ca đây đầu đau, kia khớp mỏi. Ông anh không ba hoa khoe của thì lại hấm hứ nói mỉa, rỉa róc chuyện tôi học hành này nọ mà kiếm chẳng được là bao. Vợ anh lịch sự trà nước, ý tứ để tôi hiểu rằng mình chỉ là khách đến nhà, chẳng phải người thân, biết đường mà cư xử. Thế nên, lần về sau cách xa lần về trước nhiều hơn, dẫu biết mợ tôi mong tôi về thăm nhiều lắm.

Lâu lắm rồi, tôi không mong có được tình thân từ thiên hạ, đã biết hài lòng rằng có được vài người bạn tốt là quý lắm, chỉ mong đừng đánh mất thêm ai trong cái vòng tròn thân tình nho nhỏ tôi đã có. Nhớ năm kia, có người gửi cho 2 cái bánh Trung Thu, bảo mình ăn bánh ngon nên gửi bạn, rồi bày cách ăn bánh với trà sao cho thong thả đúng tiết Thu. Năm nay, chị bạn cũ rẽ qua cơ quan cho hộp bánh, hỏi chuyện bọn trẻ trong nhà. Người đàn bà tưởng chừng đáo để ấy thật ra thật thà chu đáo, bỗng thấy lòng ấm áp. Cô bạn cũ gọi đi ăn, cho con gái bộ tô màu nho nhỏ, nhắc mình rằng Trung Thu là Tết của trẻ con. Tôi trốn cơ quan ra Hội Sách, mua cho người này cuốn truyện hay, mua cho người kia quyển sách dạy làm bánh, bỗng thấy vui vui, biết ơn đời vẫn giữ tình thân cho tình thêm thân nữa.

Mới đầu thu mà đêm về trời đã lạnh, chồng tôi khép của ban công, giục vợ  đi ngủ sau một ngày dài. Tôi sẽ cuộn tròn trên cái giường cũ thân thuộc, rúc mặt vào mớ tóc thơm mới gội của con mà ngủ, yên tâm rằng dù thế nào tôi vẫn ấm áp ở trong này, dẫu ngoài kia gió có làm bạc mất tình thân.

Phạm Việt Hà

Trung Thu 2012

Bất hoặc

Hồi trẻ, mình tin vào sức mạnh của tri thức và tư tưởng. Giờ tóc bắt đầu bạc, mới thấy cái tri thức và tư tưởng đó thực ra cũng chỉ là một cách nhìn, mà đời có rất nhiều cách nhìn đối với cùng một sự thật. Mình có quyền giữ cách nhìn của mình, nhưng không thể ép người khác nhìn như mình được, vì đó là lựa chọn của họ. Và mình bắt đầu tin vào cảm nhận nhiều hơn. Mà thế nào, cảm nhận giúp mình nhiều hơn tỷ lần việc vận dụng các quy luật với lý thuyết đã học. Bố từng dạy, khi những gì mình đã học từ cuộc sống trở thành bản năng-cảm nhận, giống như người kế toán già chỉ sờ vào chồng hóa đơn mà biết trong đó có hóa đơn giả, là khi trải nghiệm của mình đã bắt đầu chín, là khi có thể nhìn những rối rắm của cuộc sống thành những sự việc đơn giản và biết được điều nặng-nhẹ ở đời.

Hôm trước, có việc, người ta hỏi: “Hãy nói về bản thân chị?”. Mình trả lời “Tôi 38 tuổi, đã đi dạy 16 năm và sẽ đi dạy đến khi còn có thể. Tôi đã có gia đình và 2 con.Tôi yêu họ và hạnh phúc vì có họ!” Mười năm trước, có thể mình đã ba hoa đủ thứ về những gì mình đã làm, đang làm, sẽ làm. Giờ thì chịu, vì những gì đã làm thì đã là quá khứ, đang làm thì cứ làm tiếp, còn chưa làm thì chắc gì đã làm được. Kể lể gì! Lúc lững thững đi về, mình nhận ra là, câu hỏi đơn giản thế mà thực ra rất sâu. Bởi những gì mình nói về bản thân, chính là những gì mình coi trọng nhất. Giờ thì công việc và gia đình là hai thứ mình coi trọng nhất, sợ mất nhất, là hai thứ tạo ra mình và giúp mình đi tiếp. Mọi thứ khác trên đời đều chỉ là những bóng nắng sáng còn, chiều tắt.

Hình như mình già thật rồi! Hay mình bắt đầu chín nhỉ?

 

Phạm Việt Hà

Tháng 9 năm 2012