Hồi nhỏ, hễ mở mắt dậy là nó gọi “Mẹ ơi!” Mẹ chưa kịp thưa là nó hét toáng nhà “Mẹ đâu rồi? Mẹ ơi!”. Mẹ đi đâu nó lũn tũn theo sau. Mẹ đi tắm, nó vác cái ghế nhựa nhỏ xíu ra ngồi chồm hỗm trước buồng tắm, một lúc lại hỏi “Mẹ xong chưa, mẹ ra với con”. Bố mẹ đi làm về, chưa kịp mở cửa hai anh em nó đã ùa ra như cơn gió cuống quýt mở cửa, tranh nhau kể chuyện. Mẹ đi đâu cũng chỉ mong chiều về được nhìn chúng nó ùa ra đón, xà vào lòng ríu rít.

Nó sinh ra yếu, bố mẹ thường cho nó nằm ngủ trên bụng  theo phương pháp “Chuột túi”. Nó thích nhất nằm trên bụng bố, năm sáu tuổi rồi vẫn đòi nằm ngủ bụng bố, nó bảo “Bụng bố vừa êm vừa mát, thích nhất trên đời”. Không cho nó nằm ngủ bụng, nó bắt bố nó nằm sấp xuống, để nó nằm ngửa trên lưng bố đọc truyện tranh. Bố chiều con, cứ ép bụng xuống cho con nằm ngồi trên lưng đoc truyện. Mẹ quát nạt mãi mới thôi. Bà nội  tự tay cắt vải hoa may cho nó hết váy dài đến váy ngắn. Ông bế nó lang thang khắp xóm đút bột, dạo chơi. Cả nhà cưng nó như công chúa nhỏ.

Đêm ngủ nó hay giật mình, mẹ nắm bàn tay nhỏ xíu của nó suốt đêm, cứ nắm vậy thì nó ngủ yên. Lớn chút, bắt đầu ngủ  nó  thích gối đầu lên tay phải của mẹ, xoay mặt áp vào ngực mẹ, để tay trái  mẹ vỗ nhẹ nhẹ hoặc xoa lưng.  Nó ngủ rồi, mẹ mới gỡ nó nằm cách xa một chút cho dễ thở, rồi nắm chặt tay trái của nó cho nó ngủ yên. Cứ thế, nó dài dần ra, mẹ ngắn dần đi so với nó, nhưng nó vẫn thích trò rúc nách gãi lưng nắm tay mỗi khi đi ngủ.

Ông bà và bố sửa nhà, làm phòng riêng cho nó. Nó đòi sơn phòng nó màu xanh nhạt rồi vẽ tô đủ thứ lên tường. Phòng nó đối diện phòng bố mẹ, rộng và rất đẹp trong khi anh nó nhường em xuống ở phòng nhỏ cạnh ông bà. Thế nhưng nó không thích ngủ một mình. Tối nào học xong nó cũng lân la phòng bố mẹ hoặc xuống phòng ông bà chơi đến muộn. Nó sợ tối, nên đi ngủ cũng bật đèn sáng choang mà vẫn sợ không ngủ được. Mẹ thương, thường sang “ngủ mồi”, nhưng nó ngủ thì mẹ cũng ngủ luôn, tay nắm chặt tay nó để nó ngủ yên. Có tối nó ngủ rồi, mẹ nhẹ nhàng lỉnh về phòng, vừa nằm xuống đã thấy nó ôm gối sang theo, lồm cồm bò lên giường rúc mẹ.

Hồi nhỏ nó lanh lợi dễ thương, vậy mà lên lớp 6 bỗng đổi tính. Quần đang dài nó cắt hai cái ống tòe loe, bên cao bên thấp. Cái áo nỉ dài tay, nó cắt thành ngắn tay rồi khâu tèm lem mặc đi học. Cái rèm cửa lớn mới tinh, nó khoét một góc khâu thành túi xách tòng teng rồi lấy cái valy che chỗ vừa khoét lại. Bà mua cho nó cái váy len dài màu đỏ từ Mỹ, bác gửi ra cho cái áo len trắng mua ở Tây Ban Nha, nó cắt nguyên tấm ngực hai thứ ấy để khâu cái mũ phía trước đỏ còn phía sau màu trắng. Mẹ đi làm về nó đem tặng mẹ một con mèo trắng và một con mèo đen bằng vải nhồi bông,  chất liệu quen ghê lắm, nhìn kỹ hóa ra nó lấy một cái tất trắng và một cái tất đen của bố ra để làm mèo. Hai chiếc còn lại tui làm gì đây hả trời!

Nó biết nói dối, chểnh mảng học hành. Nó thích bạn trai, về nhà thủ thỉ hỏi mẹ “Con có nên tỏ tình với bạn ấy không?” Bố mẹ không cấm, chỉ theo dõi và dạy nó cách tự bảo vệ mình. Sau hai lần “tan vỡ trái tim” như nó nói vì bạn nó thích thì không thích nó hoặc tự nhiên nó không thích nữa, nàng chuyển sang thích một anh hơn hẳn tuổi chơi trong đội bóng rổ của trường. Nó cũng ít nói chuyện với bố mẹ hơn  và hay trốn vào phòng riêng chat với bạn. Mẹ thành thám tử, đi làm về gửi xe chỗ kín rồi núp sau gốc xà cừ theo dõi nó và anh chàng hơn tuổi chơi bóng rổ và à ơi nhau. Bố thành nhà điều tra, thu thập thông tin trên mọi kênh về chàng nọ.

Chuyện nọ xọ chuyện kia, nó và mẹ bắt đầu cãi nhau to tiếng. Mẹ nói con không chịu nghe, vừa thương con vừa tức chui vào góc tủ ngồi khóc nức nở. Bố nó đi làm về từ dưới nhà đã nghe ông bà mách chuyện, lên phòng thấy vợ đang ngồi khóc trong góc tủ, không kiềm chế nổi hét lên “HD đâu, lên ngay đây!”. Con bé chạy vào phòng mẹ, run rẩy đứng  trước mặt bố. Bố nó quắc mắt hét “Nhìn đi!  Cô làm vợ tôi khổ sở thế này à. Ai cho cô làm vợ tôi khóc thế này hả?” Bố nó trước nay chả bao giờ nỡ quát con gái. Nó cứ rúc vào lòng, chớp chớp mắt kiểu chó con là xin gì bố cũng đồng ý. Thế mà giờ đỏ mặt, quắc mắt quát con. Nó nhìn mẹ, nhìn bố rồi run run “Con xin lỗi, nhưng mà bố tưởng dậy thì sướng lắm à. Con cũng đang khổ sở đây”. Bố mẹ sững cả người.  Ừ, chả ai muốn dậy thì hai lần, phải đi cùng nó thôi, rồi thì cũng sẽ ổn.

Giờ nó đã sang lớp 9. Nó xin mẹ mua cho nó cái máy khâu để may vá dăm ba thứ linh tinh. Bác hàng xóm đầu ngõ xin cho nó mấy túi vải thừa nhà thợ may để nó khâu vá cắt phá. Nó vẫn lười dọn phòng và vứt đồ bừa bãi, hay cãi dễ khóc dễ tức và hay dỗi-đặc điểm của bọn con gái tuổi teen hâm dớ. Nhưng có vẻ nó đã sang bên kia của chu kỳ rắc rối tuổi teen, và đang dần trở thành một cô gái cá tính và yêu đời.

Mẹ ốm nằm bệt giường, nó nằm xuống cạnh ôm mẹ, tay trái nắm chặt tay phải mẹ, tay phải vỗ nhẹ lên vai mẹ. Nó dỗ mẹ ngủ như mẹ dỗ nó ngày xưa. Cái đuôi nhỏ rắc rối của mẹ!

Phạm Việt Hà

Tháng 5 năm 2017

Cái này nó tặng mẹ cho Mother’s Day. Cả ba thứ nó tặng đều là thứ mẹ nó thích. Cứ tưởng đâu nó không biết, không để ý cơ.

Tranh nó vẽ nó. Mẹ thấy một phần của mẹ trong những gì nó vẽ.


Đừng quên nhé

và s mãi mãi hương ngc lan còn
còn trong gi
c mơ”-Anh Quân

Mình tranh thủ một tiếng nghỉ trưa, sang lớp Yoga cạnh cơ quan học. Lớp học nằm trong khu nhà hoạt động thể chất của trường đại học, cả sân trơ chọi chỉ có một cây Ngọc Lan non mảnh dẻ nép sát vào hàng rào cuối sân. Cuối xuân cây Ngọc Lan bỗng bừng sống dậy trổ lá đâm lộc. Những chiếc lá mỏng và rộng xanh non xòe thành tán, như chiếc ô che một mảnh sân nhỏ sát hàng rào. Đầu hạ, chiều đi làm về đã thấy ngát thơm một góc sân, những bông hoa không trắng muốt mà có màu ngà  nấp sau cánh lá tỏa hương.

Hương thơm dịu dàng nhưng sâu và đầy gợi nhớ được tạo ra từ những bông hoa rất nhỏ và giản dị đến gần như vô hình trong đám lá xanh to bản. Mình đi tập, thấy mấy cậu sinh viên đang trèo rào hái hoa cho bạn gái. Cô gái trẻ da căng tóc dài buộc túm sau lưng vươn hai tay lên cao chờ hứng hoa Ngọc Lan bạn hái, hai cậu trai bặm môi vươn người níu cành cây mảnh. Tiếng chúng cười trong và vang giữa sân vắng buổi trưa lanh canh như chuông gió. Mình đứng ngẩn ngắm bọn trẻ, quên cả nhắc chúng cẩn thận kẻo ngã và đừng làm gẫy cành cây.

Có lúc nào đó mình từng là cô gái nhặt những cánh hoa Ngọc Lan trắng muốt rụng ngoài sân ướp vào trang sách. Có lúc nào đó mùi hương từ những bông Ngọc Lan gói trong khăn tay trắng trên bàn học từng len lỏi vào những giấc mơ thủa mơ màng giữa yêu và thích. Có một khoảng sân trường nào đó, mình cũng từng đứng vươn tay hứng những bông hoa nhỏ xíu trắng ngà thơm phức và cười dịu dàng như tiếng gió. Có lúc mình từng đỏ mặt ngượng ngùng khi bạn trai cùng lớp đến nhà chỉ để dúi vào tay mình mấy bông Ngọc Lan nhỏ thơm. Tháng ngày đi qua cùng những mùa hoa, mùi hương vẫn còn mà những kỷ niệm nhạt dần và tiếng cười không còn trong veo nữa.

Thấy mình ngẩn người đứng mãi, cậu trai vẫy tay cười cười “Cô ơi, cháu tặng cô cành này. Cô hứng nhé!” Mình vươn tay hứng cành hoa, hứng cả mùi hương dội về từ ký ức!

Đừng quên Hà nhé, đừng quên những điều tốt đẹp!

Việt Hà

Tháng  5 năm 2017

image1

Hy vọng dối trá

Có vẻ những quầy bán vé số và bàn ghi số đề  len lỏi khắp phố xá ngõ ngách vẫn chưa đủ, dạo này phố nó ở mọc thêm mấy cái cửa hàng Lotto đèn xanh đỏ nhấp nháy, chiều chiều đông nghịt người mua. Kênh thời sự giờ phát cả tin trúng giải Lotto vào giờ vàng, báo mạng ngày nào cũng đăng tin người này trúng số gần 70 tỷ, người kia trúng số 31 tỷ. Nó chờ xe trước cửa quầy Lotto, nghe chị bán vé đang tán chuyện với một khách hàng trẻ: “Này nhé, mỗi ngày em chỉ mất có 20 nghìn đồng, mà cả ngày có thêm niềm hi vọng. Nếu mất, thì cũng chẳng đáng gì, coi như ăn thêm cái bánh ngọt. Còn nếu trúng độc đắc á, thì đời lên tiên luôn!” Nó chỉ muốn hét lên, “Nhưng đó không phải chỉ một ngày và chỉ một cái bánh, mà khả năng cao là cả đời cô gái kia sẽ không bao giờ trúng số.”

Nó bỗng nhớ đến người hàng xóm thường gặp  cạnh quầy vé số đầu ngõ mỗi chiều đi làm về.  Anh lái xe ôm, chị bán hàng rau chạy. Gọi là rau chạy vì chị không có chỗ bán cố định, thường ngồi tạm vỉa hè người ta đuổi thì lại chạy. Thi thoảng thấy anh hớn hở khuân dăm bọc thức ăn to kềnh cho lũ con, thi thoảng lại thấy anh uống rượu đánh vợ con ầm ĩ cả xóm. Tiền học cho con anh dùng mua vé số, tiền mua áo cho con anh cũng bỏ vào mấy con đề. Những đồng tiền anh chị cặm cụi kiếm từ sức lực đã nhiều phần suy kiệt được dùng để mua những niềm hy vọng giết người rằng sẽ có ngày anh trúng độc đắc và mua được nhà, tậu được cửa hàng cho vợ con anh. Bà vợ chịu hết nổi bỏ anh đi, chỉ tội bọn trẻ không biết đi đâu đành ở lại chịu đòn đau những ngày anh thua lô chán đời uống rượu. Người đàn ông ấy bắt đầu bằng hy vọng và đang tự đi vào con đường không lối thoát.

Hai năm trở lại đây, báo chí, tivi và vô khối các vị lãnh đạo hào hứng gào thét kêu gọi giới trẻ khởi nghiệp khi mà chính họ còn không thể phân biệt nổi giữa entrepreneurship và startup, cũng chưa từng thực sự đứng ra tự doanh hay khởi nghiệp trên ý tưởng và công nghệ mới. Nếu nghe họ, ai cũng nghĩ mình có thể và chắc chắn sẽ là một Bill Gates hay Jack Ma nhanh thôi. Chẳng ai bảo cho những người trẻ rằng ở Việt Nam chỉ có 3% người khởi nghiệp thành công và số những công ty bị phá sản, cửa  hàng làm ăn thua lỗ thì nhiều vô số kể. Cũng chẳng ai bảo cho họ biết để có thể  thành công cần những gì và cái giá phải trả đắt thế nào. Khu phố mình cứ dăm tháng lại thấy một cửa hàng thời trang, một quán cà phê, một trung tâm ngoại ngữ hay một nhà hàng mới mở. Cũng chỉ dăm tháng sau, ông bà chủ của những cửa hàng ấy đau khổ ủ rũ bán tháo đồ đạc đóng cửa hàng. Nhiều người trong số họ rời bỏ ước mơ với đống nợ to đùng và những cuộc cãi vã không dứt  đến vỡ nhà tan cửa.

Nhớ lần nó đi ăn tối chia tay sau ngày tốt nghiệp với thầy, vị giáo sư không chỉ nó mà rất nhiều người yêu kính. Nó hỏi, “Thầy ơi, nếu có điều gì đó thầy học được từ cuộc đời làm việc của mình và muốn dạy cho em, đó sẽ là gì?”. Thầy mỉm cười, “Bài học lớn nhất thầy học được là không có thành công nào mà không cần nỗ lực. Hãy thực tế và chăm chỉ kiên trì em nhé!”. Hy vọng giúp người ta có lý do để  nỗ lực cố gắng tiếp tục hành trình đang hồi gian khó. Hy vọng giành được thứ mình muốn mà không phải lao động là tham lam vô lý. Vì tham lam mà bám vào hy vọng hão huyền giống như dùng ma túy, nó làm cho ta yên vui sung sướng phút chốc để rồi đẩy ta sâu vào bóng tối tuyệt vọng của những ngày sau. Ngày nào cũng bỏ tiền thật để mua hy vọng hão huyền, thì hoặc là vì tham lam muốn dễ dàng có thứ vượt ngoài tầm với của mình, hoặc là đang tuyệt vọng, hoặc là rất ngốc, mà cũng có thể vì cả ba. Ngay cạnh mấy quầy Lotto là những tiệm cầm đồ biển hiệu đỏ rực to như tấm phản, bên trong có mỗi cái bàn và dăm cái ghế, thêm cái tủ kính đựng đầy đồ được mang đi thế chấp. Mấy thanh niên cổ đeo xích bạc, tay đeo đồng hồ vàng, xăm trổ rồng phượng ngồi trực. Dăm bữa lại thấy họ dựng một lô xe máy xe đạp ngay trước cửa, treo biển “bán xe”. Có ai đó lại vừa đánh mất thứ mình đang có vì thứ mình không thể có.

Bạn nó yêu một người. “Anh ấy rất tuyệt vời” nàng bảo, “và em không thể nào chạy trốn khỏi tình cảm dành cho anh ấy. Có điều anh ấy chỉ coi em là bạn tình không phải người yêu, càng không có ý định thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc đời anh ấy vì em.” “Anh ấy có ở bên em khi em cần không?” nó hỏi. “Không, anh ấy chỉ đến những lúc muốn ngủ với em” nàng trả lời buồn rầu. “Vậy thâm tâm em biết là anh ấy muốn gì ở em và em thực chất là gì của anh ấy đúng không?” nó hỏi tiếp. “Vâng, chỉ là em hy vọng tình cảm của em có thể lay chuyển con người anh ấy”. Nó ôm nàng an ủi. Trong mỗi người đàn bà đều có một con ngốc. Con ngốc trong nó có thể chẳng khác gì con ngốc của em, chỉ là nó chưa từng phải đối mặt. Nó kể cho nàng câu chuyện của người đàn ông mua vé số, về những cửa hàng Lotto cạnh tiệm cầm đồ và cái giá của niềm hy vọng dối trá. Nàng khóc cay đắng “Giá em có đủ dũng cảm để bỏ mối quan hệ này lại phía sau”. Có chứ, ngày mai là một ngày mới, chỉ cần kéo từng tế bào thần kinh của mình lại và bắt đầu thực tế về những gì em có thể tự mình gây dựng cho mình, không phải thứ hy vọng hão huyền dối trá.

Phạm Việt Hà

Tháng 5 năm 2017