Tôi nhìn tôi

2015-05-10 10.29.28Tôi thích hình ảnh mình cười, mắt nheo lại, vết chân chim chạy dài vui vẻ cuối mắt.  Tôi cất những tấm ảnh mình cười vào một tập trong máy tính, đặt tên là “she smiles”. Thi thoảng trong những chuyến đi dài mệt mỏi, thấy nhớ đôi mắt cười  lấp lánh có vết nhăn dài và khóe miệng cong của chính mình,tôi lôi những bức ảnh cũ ra ngắm, thấy vui vẻ nhẹ nhõm.

Tôi sống khá ổn, hài lòng với cuộc sống hiện tại, công việc hiện tại, các mối quan hệ hiện tại. Vậy nhưng có một phần rất mạnh mẽ trong tôi thi thoảng cảm thấy cô đơn, gào lên đòi được lắng nghe. Mỗi năm tôi đều tự gửi cho mình vài lá thư qua một phần mềm cho phép định ngày thư đến trong tương lai. Bắt đầu đơn giản là để con người tương lai của mình không quên mất một vài điều quan trọng của hôm nay và làm những việc mà mình muốn làm nhưng chưa thể. Rồi thì những lá thư biến thành cuộc đối thoại trung thực giữa tôi và tôi vào những thời điểm quan trọng, nhắc nhở tôi là ai, đã có gì và muốn trở thành người thế nào. Nói chuyện với nó giúp tôi nhận ra nhiều điều, thứ nặng nề trở thành nhẹ nhõm đơn giản, thứ quan trọng thành ra thứ yếu, thứ tưởng không thể chấp nhận nổi thành không đến nỗi vô lý, thứ tưởng không thể quên được hóa ra đã quên lãng hồn nhiên.

Tóc dài vướng víu, cắt ngắn ngang vai, thấy thoải mái hơn nhiều. Một ngày nóng nực, tôi bảo chị thợ đầu phố “Chị cắt cho em ngắn hết mức có thể, kiểu gì cũng được”.  Soi gương, thấy khuôn mặt quen thuộc, nụ cười quen thuộc, vết nhăn quen thuộc và mái tóc ngắn nam tính rất dễ thương, tôi tủm tỉm cHoa Flinders thÆ¡m hắc giống hoa xoanười. Chồng đi làm về nhìn vợ nháy mắt “Chào anh bạn!”. Cô bạn vốn là tiến sĩ tâm lý ở một viện nghiên cứu, gọi điện rủ đi ăn trưa. Nói chuyện một hồi, nó hỏi “Mày có chuyện gì buồn à?” Tôi trố mắt “Sao mày nghĩ thế?” Nó đáp, “Sao tự nhiên mày cắt tóc?” Tôi uống một ngụm trà đào mát lạnh: “Nóng!”.  Sách của nó dạy rằng phụ nữ bỗng nhiên cắt tóc trọc lỏn như tôi thì hẳn đang có gì uẩn ức. Tôi cảm ơn bạn quan tâm, cười cười “Nếu có uẩn ức thật, tao chắc cũng chỉ nói với tao.”

DSC00071Tôi không coi trọng ngoại hình, thường chọn cách ăn mặc tối giản và đồ đạc sẫm màu. Hội bạn thân, cô nào cũng rất giỏi giang xinh đẹp, cẩn trọng chăm chút ngoại hình. Các cô thường xúm lại mắng nhiếc tôi chuyện giản dị quá hóa luộm thuộm. Chúng đem vô số ví dụ các bà vợ vì không chịu chăm chút bản thân mà mất chồng, thiệt thòi chuyện sự nghiệp ra mà dọa. Dọa chán, mắng chán thấy chẳng ăn thua, chúng nịnh nọt lôi tôi khi mua cái này lúc sắm cái nọ, hết dạy tôi trang điểm lại dạy tôi phối đồ. Nhiều khi nể bạn mua về nhưng không thích nên lại vứt xó hoặc đem cho.Tôi hiểu rằng buông thả sức khỏe, ngoại hình cũng là không biết yêu thương bản thân; ăn mặc luộm thuộm để ảnh hưởng đến công việc cũng là vô trách nhiệm, nên cố điều chỉnh ít nhiều để mỗi sáng đi làm thấy hài lòng với hình ảnh trong gương. Tôi cũng là phụ nữ, cũng thích đẹp, nhưng cách tôi hiểu về vẻ đẹp và làm đẹp có thể khác người. Tôi muốn người khác nhớ, không phải vẻ lộng lẫy nổi bật mà là sự dịu dàng ấm áp tôi dành cho chính mình và những người thân.

Cũng chẳng sao! Tôi vẫn là tôi, như tôi nhìn tôi bằng đôi mắt của mình.

Phạm Việt Hà

Thấy đau

Aside

Genderchats

Bài viết cho Tạp chí Tư vấn Tiêu dùng, số ra ngày 20 tháng 11 năm 2013

Thi thoảng, tôi đọc blog một cô gái trẻ chưa từng gặp mà thấy đau. Cô gái sống như đã chờ được sống cả trăm năm, từng chữ đòi được sống, từng dòng như hơi thở phập phồng ngực áo đòi được  xiết  chặt yêu đương, hồn nhiên, bồng bột, tự do mà cô độc quá. Dạo này báo nói người mình vô cảm, chắc tại trời vơ hết cảm xúc của những người ít dùng, thổi vào người những kẻ thèm sống như cô, đến nỗi từng mạch máu, từng sợi tóc trên người cũng căng cứng nhức nhối vì cảm xúc, chỉ muốn vỡ bung, được yêu bao nhiêu cũng không đủ, đi bao nhiêu vẫn thấy cuồng chân, sống ngày đêm không ngủ vẫn thấy thiếu,khóc cười nghiêng ngả vẫn…

Xem bài viết gốc 722 từ nữa

Chìm nổi

“…Ngọt ngào thì nổi, đắng cay thì chìm…”

Hoàng hôn ở Potsdam

Năm 97, mẹ một người bạn thân của mình bị đột quỵ, biến chứng liệt nửa người. Bác gái nằm thiêm thiếp trên giường, bác trai đang lấy khăn ấm lau người cho vợ. Bác gái thấy mình đến thì khóc. Bác trai một tay nắm bên tay bị liệt của bác gái, một tay cầm khăn ấm thấm từng giọt nước mắt chảy dài trên má vợ, thì thầm “Em cứ yên tâm, rồi sẽ qua! Có anh bên cạnh mà!”. Chỉ 2 năm sau, bạn mình mất khi cố gắng cứu một cặp vợ chồng bị nước cuốn ngoài biển Vũng Tàu. Lúc đó hai bác vừa bán hết gia sản ngoài Hà Nội để vào Sài Gòn cùng con. Bác gái lại khuỵu xuống. Bác trai vừa chăm vợ ốm, vừa lo đưa hài cốt con cùng cả gia đình ra Hà Nội. Gần hai mươi năm, lần nào giỗ bạn, cũng thấy bác trai lụm cụm làm cơm từ hôm trước, bác gái lần tường đi lại đón con cháu, ấm áp và nhiệt thành. Hai bác không để cay đắng ngăn họ sống nhân hậu và yêu thương, không để đau khổ mài mòn sự ấm áp và bền chặt của những mối nối gia đình đang có.

***

66557_444862833370_566758370_5579658_4192250_nBố và chú chồng mình là quân nhân, quân lệnh yêu cầu đi đâu là phải đi đó, quanh năm vắng nhà. Mẹ chồng mình kể, bà đẻ con gần  một năm bố mới được nghỉ phép về thăm, đến nỗi em chồng mình nhất định không cho bố bế vì lạ. Mỗi lần về, bố đều hì hục đỡ vợ đủ việc nhà từ vét cái giếng, xáo lại mái ngói cho đỡ dột, xây thêm cái chuồng lợn hoặc dựng thêm gian bếp, hết phép lại vác ba lô đi biền biệt. Thời bình, chú mình cũng vẫn đi biền biệt, cuối tuần đang cầm bát cơm ăn mà có lệnh là lại lên đường. Vậy mà mẹ và cô không thấy mấy khi kêu ca việc nhà nặng nhẹ, không cằn nhằn tiếng chì tiếng bấc chuyện tiền bạc tước danh. Bố và  chú cũng không nề hà san sẻ mọi việc lớn nhỏ cùng vợ, từ tưới cây lau nhà rửa bát nấu ăn đến sửa sang nhà cửa. Ngày giỗ Tết, họ đều là đầu bếp chính tay dao tay thớt; bữa cơm ngon quây quần, đều nâng ly đầu trịnh trọng chúc mẹ, chúc chị, chúc vợ trong nhà.

Cuối năm, đại gia đình mình làm cơn tất niên. Lợn mán nuôi trên đất núi Hòa Bình gửi về được làm thịt, thui rơm rồi pha ra làm đủ món. Cả nhà nấu nấu nướng nướng, rôm rả vang cả một góc làng. Rượu nếp cái hoa vàng chú ủ chum 50 lít, vợi ra từng chai một sóng sánh vàng, cả nhà gọi là Chivas Chum. Bố và các cô chú cuối năm mời nhau chén rượu, hàn huyên chuyện gia đình, chuyện đồng đội, bạn bè. Chú mình rót rượu nâng ly mời vợ:

“Mỗi năm Tết có một lần 
Mời em ly rượu tay nâng ngang mày
Vợ cười chưa uống đã say
Ngọt ngào thì nổi đắng cay thì chìm

Gót chân ăn vẹt bậc thềm
Quanh năm tất bật đi tìm ngày xuân
Tóc loay hoay bạc bạc dần
Mỗi năm Tết có một lần thôi em.”
(Thơ Nguyễn Duy)

Mình vốn không uống cũng không để bị ép uống bao giờ, nhưng nhìn rượu nếp thơm sóng sánh, nhìn chú hai tay nâng ly rượu đọc thơ, mắt nhìn vợ ngân ngấn tình bỗng nhiên cũng thèm uống rượu. Có bức thư tình nào chan chứa yêu thương bằng chén rượu nâng ngang mày ngày Tết và bài thơ chú mình tặng vợ.

***

13435290_10153903104923371_7031882342204350937_nMẹ ốm. Bà hoảng sợ, nỗi sợ hãi của người già cảm thấy mình bất lực trước bệnh tật, nỗi buồn không thể chăm sóc được người cần chăm sóc, không thể tự mình làm những việc cần làm. Cả ba chị em đều sợ, bởi cả ba đều đã quen với việc có mẹ ở bên khỏe mạnh và vui vẻ, đã quen được mẹ bao bọc yêu thương, đã quen có ngọn đèn chờ đợi mình không bao giờ tắt những lúc xung quanh toàn bóng tối. Cả ba chị em đều rất cần mẹ, cần tình yêu thương, nụ cười và bóng dáng của bà. Chị mất ngủ, bỏ việc đi tìm thầy thuốc giỏi, bệnh viện tốt.Các em thu xếp nhanh chóng về bên mẹ bên chị. Mẹ mất ngủ, lặng lẽ giấu các con chuẩn bị cho những việc rất xa xôi. Cả nhà người này cố động viên người kia khi chính mình lo lắng không yên. Ca mổ thành công, thầy giỏi thuốc tốt nên mẹ khỏe dần. Cơn bão qua đi, mỗi người nhận ra rằng chính biến cố đã khiến họ tìm về bên nhau, cùng đối mặt nỗi sợ hãi bằng tình yêu thương và niềm tin như một gia đình đúng nghĩa.

***

Đúng ngày H đi thi đại học thì bố mẹ phát hiện anh trai thứ của em nghiện ma túy. Anh cả em đã chết đột ngột trước đó một năm, bố uống rượu nhiều sinh ốm đau chỉ quanh quẩn trong nhà. Cảnh nhà túng quẫn, bất hạnh chồng bất hạn, chẳng ai để ý đến cô con gái út lặng lẽ vét mấy chục nghìn tiền dành dụm đi xe buýt đi thi. Thế mà H đỗ 27 cho 3 môn thi đại học và đủ điểm vào một trường lớn ở Hà Nội. Cô gọi cho mình mà khóc nức nở “Cô ơi, em hứa sẽ thi đỗ đại học, em làm được rồi, nhưng chắc em sẽ không đi học được. Hoàn cảnh nhà em thế này.” Mình nói chuyện với H, gọi cả điện thoại cho mẹ em. Bà cũng khóc, rồi bằng giọng quả quyết, bà bảo “Nhờ các thầy cô giúp cháu, phần tôi cũng sẽ cố hết sức để cháu được học hành”.

H ra Hà Nội vừa đi học vừa đi làm, kiếm tiền bằng đi dạy gia sư và làm trợ giảng ở chỗ mình. Mấy tháng đầu gầy rộc, hôm nào đến nhà mình mắt cũng sưng húp đỏ hoe. Cô gái nhỏ bé ấy quyết sống tự lập, quyết đi qua tủi thân chạnh lòng hắt hủi để vươn lên. Sáng đi sớm chín mười giờ tối mới về nhà, bữa cơm khi mì tôm khi đồ ăn tạm. Rồi thì cô mua được xe máy, máy tính để vừa đi học vừa đi làm. H cười nhiều hơn, đăng ảnh đi chơi xa với bạn bè và đã có người yêu. Giờ cô bé buồn rầu lủi thủi ngày nào, đã đi qua những đắng cay để thành người phụ nữ trưởng thành  xinh đẹp, dịu dàng và tự tin. Những đắng cay đã chìm để ngọt ngào được nổi.

 

Có rất nhiều thứ, chỉ có thể nhận ra hoặc có được trong nghịch cảnh. Có rất nhiều người từ chối thành kẻ hèn mọn xấu xí vì khó khăn thiếu thốn hay vì bị phản bội. Thế nên mình thường tự an ủi rằng những chìm và nổi là để mình tìm ra những điều tốt đẹp không thể thấy ngày thường và những gì ta học được được từ những chìm nổi cuộc đời luôn là một phần khiến ta thành người như ta thế.

Phạm Việt Hà

Tháng 7 năm 2016