Mát-xa

Hồi đấy mình và một bạn nữa đi hầu mấy bạn Tây mang ODA túi trái bỏ sang túi phải ở Ninh Thuận, cả đoàn trọ ở Long Thuận Resort. Tối mình đi lang thang trong resort, gặp một biệt thự có biển Massage và hình ảnh minh họa là một phụ nữa nằm giữa hoa thơm cỏ lạ. Sẵn chồng cho ít tiền, chân tay mỏi nhừ vì đường xa, mình can đảm bước vào hỏi em lễ tân “Em ơi, chị muốn làm body massage, phí thế nào?” Lễ tân nhìn mình từ đầu đến chân, từ chân lên đầu, chưa kịp nói gì thì có hai em chân trắng, ngực to, móng đỏ, áo rất trong, váy rất mỏng đi ra, thấy mình thì lườm cho phát rồi lại đi vào. Mình hãi quá, đi luôn về phòng nằm ngủ. Hôm sau, kể chuyện với em trai cùng đoàn, hắn chẳng nói gì chỉ tủm văn tỉm rất là hiền. Hôm sau nữa, đoàn nhổ trại đi về Phú Yên, em trai cùng đoàn yêu cầu anh lái xe phải cho qua chỗ máy ATM rút tiền trước rồi đi đâu thì mới đi. Chị Hà căn vặn thế nào, hắn cũng không chịu lộ việc sao tiền trong túi hao nhanh thế.

Đợt này công tác ở SG, khách sạn lại cũng có phòng massage, mình cũng rụt rè hỏi. May là em lễ tân thật thà “Em nói thiệt, chỗ này chủ yếu giành cho mấy ông thôi chị”. Mình vội vàng đi xuống, bụng mừng rơn là đã không lớ xớ chỗ đó lâu, chứ khách lên nó lại chửi “Gái chó gì mà vừa già vừa xấu thế!” thì đúng là nhục.

Phạm Việt Hà

Tháng 10 năm 2012

Những người lính

Hơn 6 năm qua, tôi có một trách nhiệm là tuyển giáo viên tiếng Anh là người bản ngữ. Kỳ lạ là khá nhiều người trong số họ là cựu chiến binh Mỹ, sang Việt Nam dạy học: cựu sĩ quan không quân, cựu nhân viên CIA chuyên dịch mã điện đài, cựu binh lục quân. Sau chiến tranh, họ làm những nghề khác nhau, học những ngành khác nhau, thậm chí có bằng tiến sĩ Tâm Lý, và tìm đường sang Việt Nam. Có người lại về Mỹ sau một thời gian ngắn, có người ở lại dạy học và gắn bó lâu dài với Việt Nam. Hôm qua tôi gặp lại hai giáo viên cũ, họ đều đã lấy vợ Việt, sống ở Sài Gòn, đi dạy tiếng Anh và không muốn về Mỹ. Họ bảo cuộc chiến đã làm tổn thương họ, chính những người đã đưa họ ra mặt trận đã làm tổn thương họ đến mức, họ không muốn sống ở đó nữa. John bảo “the country that sent me to the battle field is now looking down on me”.

Bố chồng tôi  là cựu chiến binh, từ ngày về hưu,  ông không bao giờ mặc lại quân phục, cả trong những ngày đại lễ được mời về đơn vị. Ông đã không cho chồng tôi theo nghiệp lính, dù tất cả anh em trai của ông đều đã là lính. Em kết nghĩa và là đồng đội chiến đấu của bố chồng tôi, anh hùng không quân, về hưu là mở một cửa hàng cho thuê truyện tranh, dù gia đình không phải khó khăn. Hiệu truyện tranh của ông lúc nào cũng đông, cả trẻ con và bố trẻ con đều mê người đàn ông hiền lành khéo chọn sách vui. Những người đàn ông hiền hậu ấy đã chiến đấu vì tổ quốc cần họ, không phải vì chiến thắng. Và khi có thể, họ muốn là người đàn ông thay vì làm người lính.

Chỉ 20 năm nữa, những người như bố tôi, chú tôi, như John, như James, như Graham sẽ mất. Và sẽ không còn ai nhắc nhở những người trẻ về nỗi đau chiến tranh ta từng trải qua để có được hòa bình, cả từ hai phía. Nhiều lúc cứ nghĩ, hay mấy anh em quyên tiền lại, làm một bộ phim tài liệu về những người ấy, những người đã là nạn nhân của một cuộc chiến, mà họ đều không chủ định gây ra.

Chỉ là tự nhiên nghĩ vẩn vơ sau cuộc gặp!

Phạm Việt Hà

Sài Gòn, tháng 10 năm 2012

Miền Nam

Nó từng âm thầm ghét bỏ cái vùng đất đó. Vùng đất đã lấy đi một nửa gia đình của nó. Bỗng đâu, một ngày đẹp trời, mẹ dắt chị nó đi tuốt vào Nam. Và thế là bắt đầu những quãng dài không mẹ, nhớ thương chuyển thành hờn dỗi, hờn dỗi biến thành bất cần, bất cần thành oán hận, oán hận mà vẫn ngấm ngầm mong mỏi.

Đang học đại học, nó kiếm được việc làm thêm cho ông chủ người Đài. Lâu lâu, quen người biết tính, ông đưa bà vợ trẻ măng đến nhà nó ăn cơm. Rồi thấy sao đó, ông hỏi “Mẹ mày giờ không phải mẹ của mày phải không?”. Nó chết lặng, đến người lạ hoắc xa quoắc xa quơ cũng nhìn ra cái lỏng lẻo và  lạc lõng của đứa con gái đang loay hoay tìm mình trong chính nhà của nó. Nó lặng lẽ gật đầu. Ông sếp lắm điều bỗng im lặng một cách bất thường, rồi bảo “Con tao cũng giống mày, nó ở Đài Loan, xa cách mẹ, và cũng lảng bảng trôi khỏi tao như mày đang trôi đi, nó cũng đang loay hoay học cách tồn tại như mày.” Sao vụ đó, ông thi thoảng bảo vợ mua cho nó ít quần áo, cái túi đi học, ít sách vở tiếng Hoa. Đợt triển lãm máy, ông cử nó vào Sài Gòn công tác cùng vợ chồng ông. Lúc xếp tài liệu, ông nói bâng quơ, “cũng cần đến chỗ mẹ mày đang sống, để biết bà ấy sống thế nào”. Nó đi, rối bời trong dạ những giận-thương-mong-nhớ, rối bời những câu hỏi sao-gì-ai-thế nào trong đầu. Vậy mà gặp mẹ, nó chỉ còn mỗi một chữ “thương”. Mắt mẹ rưng rưng sụp xuống vì ít ngủ, tay mẹ cứng và sần, mẹ sống đâu có dễ dàng, càng không dễ dàng quên nó. Nó biết mỗi ngày của mẹ đều nặng những câu hỏi, những lo nghĩ loay hoay.

Mới đó, đã mấy chục năm. Nó đã ra vào cái thành phố ấy biết mấy chục lần. Lần nào, cũng về với mẹ, dù chỉ kịp ăn một bát cháo gà, húp chút canh cá mẹ nấu. Lần nào mẹ cũng dấm dúi cho con gái cái này cái nọ, dù bà biết con bà chẳng phải thiếu thốn hay còn nhỏ dại, chỉ là để yên tâm, mình có chút gì cho nó. Và nó luôn nhận, để mẹ thấy nó vẫn còn bé bỏng, vẫn cần mẹ nấu ăn, cần mẹ nhắc đi ngủ nhớ chặn chăn lên bụng và quấn khăn vào cổ, cần mẹ ôm vào lòng, xoa lưng nhồn nhột…chỉ là nó đang cố lấy lại cho cả nó và mẹ, những tháng ngày cả hai đã mất.

Rồi, nó bỗng nhận ra nó cũng yêu thương thành phố-vùng đất đó, chỉ là theo một cách khác với cách nó yêu Hà Nội. Nó biết ơn cái thành phố ồn ào, xuề xòa và hào phóng đã cưu mang mẹ, cho bà một quãng đời bình lặng, cho chị nó một mái ấm gia đình với ông rể Nam Bộ hiền thiệt là hiền, và cho em nó một cậu con trai biết vừa nhảy cà tưng vừa hét “Bác vô! bác vô!”. Nó bắt đầu yêu cái giọng Xì-Gòng ríu ran như hát của tụi nhỏ gọi bố là ba và gọi má là mẹ. Nó bắt đầu học cái nếp khoanh tay chào mẹ theo kiểu của tụi cháu mỗi khi đưa chúng đi chơi, và thỉnh thoảng cười phá lên nhạo cách nói “dạ” thiệt dài thiệt ngọt của tụi nhỏ. Nó không còn khó chịu mỗi khi mẹ dặn “cẩn thận khỏi té đó con!” thay vì “cẩn thận khỏi ngã con nhé!”. Nó yêu từ nếp ăn ở hiền hòa, đến rau quả, cá mú, món cuộn món cuốn, mắm lẩu miền Nam. Chả biết từ lúc nào, nó hồn nhiên vui vẻ với việc nhà nó giờ nửa Nam nửa Bắc, thích thú vì mỗi mùa hè chị Hai gửi bọn trẻ ra Hà Nội cho dì yêu ít bữa, rồi ra khuân con nó vào Nam đi nghỉ cùng bà ngoại. Cả mẹ cũng hồn nhiên sung sướng bước mỗi khi cô con gái vào chơi xách làn theo bà đi chợ, khoe với nó rằng, tất tật mấy anh bán thịt, chị bán rau, cô bán cá đều gọi bà là “má” hẳn hoi.

Thế là thành ra, nó có hai nơi luôn cùng đợi nó, hai nơi nó luôn mong được đến, được về.

Phạm Việt Hà

Miền Nam, tháng 10 năm 2012

Đạp xe đi làm

Đạp xe đi làm vào mùa thu thật tuyệt!

Trời không quá nóng đến nỗi đạp xe là vã vượi mồ hôi. Nắng không quá chói đến độ mắt nheo vì mỏi, chẳng dám nhìn lên cao, cắm mặt xuống đường mà đạp. Gió không quá khô hay lạnh để cát bụi cuốn lên cao, đập vào mặt, luồn qua khe áo cắm cảu của người đi. Trời thu trong veo! Gió nhẹ vừa đủ để mát, nắng vàng vừa đủ để lòng phơi phới, hoa sữa vừa đủ thơm để không thấy gắt, hoàng lan vừa đủ chín để người đi qua chợt nhận ra mùi hương rất dịu. Ta đạp xe trên phố, vừa đủ đủng đỉnh để nhận thấy mình đang sống, đủ để không sốt ruột khi nhìn những người khác vượt qua mình hối hả.

Và không gian khô thoáng đủ để mùi-vị-sắc-hình của mọi sự vật xung quanh bỗng  trở nên sống động và rõ ràng kỳ lạ.

Này nhé, vừa ra cổng, là gặp ngay mùi hành phi thơm phức của bà hàng xóm đang bắc bếp ra cửa nấu ăn. Xóm lính, nhiều ông bà cụ  vẫn giữ tục bắc bếp ra sân từ sớm, vừa nấu ăn, vừa buôn  chuyện chào hỏi với bà con cả xóm. Nhà ai ăn gì, cả làng đều biết. Chào bà rổn rảng, rồi thong thả lên xe,  đường trong ngõ hồng hoa giấy rụng từ đêm hôm trước, ngõ sạch và thơm mùi hoa sữa thoảng hương. Cây hoa sữa chẳng biết ai trồng đầu ngõ lớn nhanh như thổi, hoa mùa nào cũng rợp một mảng trời con.

Đường Láng, phố đông, đường đông, xe cộ ào ào, ta cứ túc tắc từng vòng với cái xe cũ thật là cũ, có cái áo mưa xanh kẹp bác-ba-ga phía sau, túi hồng xanh lủng lẳng đằng trước.  Có bà quả phụ phấn son tô trát kỹ càng lướt qua, áo ny-lon trong suốt, váy xèo xếp nếp điệu đàng, mùi Gucci Seductive nồng nồng buổi sáng. Ta tủm tỉm, hẳn nàng đang có người cần quyến rũ ở cơ quan. Ngã tư-đèn đỏ, bác công nhân đi cái wave cũ đỗ cạnh bên, mùi chua-mặn-hôi của bộ quần áo công nhân lâu không giặt mạnh mẽ, sau xe là cái thùng đựng đầy gạch lát tường và ít vật liệu xây dựng. Ta lén nhìn khuôn mặt người đàn ông đứng tuổi nhỏ thó gầy gò,móng tay cắt sát mà vẫn đen thành ngấn, cổ tay gân sần bóng mồ hôi, hình như bác đang huýt sáo bài gì đó mãi chẳng nhận ra. Ta mỉm cười thật khẽ, đời vui, cớ gì ta phải bon chen.

Rẽ xuống Ngọc Khánh, ào ào xe xịn, ngạt ngào mùi chả nướng dọc đường. Ta thủng thẳng lướt qua những quán bún chả nem rán thơm ngậy, thủng thẳng lướt qua những khu tập thể cũ kỹ với khoảng sân giờ thành bãi đỗ xe và quán xá, rẽ xuống Kim Mã, lượn về Vạn Bảo, không gian bỗng chậm lại, trong veo. Chào hàng phượng đang thay lá, cánh phượng vàng rắc ào ào xuống đầu người đi. Chào những cây Hoàng Lan đứng thành hàng trên Vạn Phúc, vàng ương lúc lỉu hoa thơm. Rẽ về Đội Cấn, là mùi nước cống lưu cữu ập vào mặt, chui vào mũi, lại ầm ầm mua bán-ăn uống-chuyện trò. Lại hối hả sống, ngồn ngộn chào mời. Ta vẫn đủng đỉnh đi, thong thả  đến.

Vội vã gì đâu, mà xe cũ rồi cũng chẳng thể nào vội nổi, rồi thì cũng đến nơi mà, Mùa Thu nhỉ!

Hà Nội, tháng 10 năm 2012

Phạm Việt Hà

Bữa nhậu

Ngà ngà say sau chén thứ bẩy, thứ tám gì đó, người  đàn ông Nam bộ cao hứng vung tay đập đánh bốp vào đùi cha kế bên: “Nè, bạn mình nó mất rồi, chớ không giờ này vợ con đề huề! Mà tui nhớ, hồi nó làm ở văn phòng Sài Gòn, nhiều em mê lắm chớ! Nó tán con Tâm nhà cụ Tổng đổ đánh rầm, vậy mà nó bỏ anh em mình đi mất đánh roẹt hà!”. Người đàn ông bên cạnh coi bộ hiền lành, gầy nhưng rắn rỏi,  lặng lẽ rót cho bạn ly rượu mới, nét mặt vừa như đang nghe người nói chuyện, lại như đang lơ đãng ở đâu đâu.

Bên kia bàn tiệc, anh bạn khác mặt đỏ tía tai gật gù, tiếp lời bằng giọng Bắc đặc sệt: “Trời, hồi nhà nó ở khu chung cư quận tư, mấy em tầng trên chả mắt la mày lém. Tao vào Sài Gòn, ở nhờ nhà nó mấy hôm mà đau hết cả mắt vì chân trắng với ngực hở. Mà nó củ lỉ cù lì, mặt rỗ chân vòng kiềng, vậy mà tán toàn em rõ đẹp. Tao nhiều khi chẳng biết em nào nó mê thật, em nào nó vui vẻ. Giờ nó mà còn, có khi đẻ cả tiểu đội rồi, mỗi tỉnh  dăm ba đứa, nhỉ!”

Cả bàn rượu cười ngoặt nghẽo. Người rót rượu khi nãy, nâng ly lên, xoay xoay hoài mà không nhấp môi,  ngâm nga ra chiều nghĩ ngợi gì đâu ghê lắm. Rồi hắn nói, bằng cái giọng thiệt tình là buồn: “Trước, có lần nó đi công tác với tui. Nhậu xỉn rồi, nó bảo “Tao ân hận nhất vụ lừa bỏ nhỏ Hiền! Hồi đó tao ham hố quá, nghĩ vào Sài Gòn là một tấc lên đời. Tao lừa để nhỏ đó bỏ tao, mà thương nó ,vì nó yêu tao thật lòng quá, ngô nghê quá. Lúc tao bỏ nó, nó vẫn nghĩ nó đang bỏ tao, để tao rộng đường sự nghiệp.”

Người đàn ông đưa ly lên uống, mặt nhăn nhó, môi mím lại, rồi tiếp. “Hồi đó, tui biết nhỏ Hiền rõ lắm.  Con nhỏ có mái tóc dài dễ thương và giọng nói ngọt thiệt dịu. Tui cũng mê nhỏ từ năm nhất, nhưng mà nhát, hổng dám xáp vô, rồi bạn mình nó thương nhỏ mất , nên đành im chịu. Sau vụ thằng Tuấn vô Sai Gòn, nhỏ đó buồn quá, bỏ học quay về Phú Yên, rồi biệt tăm. Không biết giờ ra sao nữa. Hôm đó, tui thụi thằng Tuấn một quả giữa mặt, chảy cả máu mũi. Vậy mà nó cứ ôm mặt cười ngoặt nghẽo, cười hoài. Còn tui thì khóc, như thằng điên vầy. Rồi hai thằng uống say tới bến, gục tại bàn luôn. Giá mà hồi đó tui đủ can đảm để xáp vô. Biết đâu mọi chuyện đã khác.”

Cả bọn bỗng im lặng, nghe gió quất lá dừa phần phật và sóng đánh rầm rầm vào bờ đá dưới chân. Quán nhậu nhỏ xíu cuối đường Trần Phú, nhuộm màu chiều, uể oải và buồn bã. Ba người đàn ông, không ai bảo ai đều ngả người vào lưng ghế, đưa mắt về nơi nào đó thật xa. Ba chàng thanh niên, hai Nam-một Bắc, ngày nào vào Nha Trang học, giờ đã bạc màu tóc, mệt mỏi nét mặt, xộc xệch dáng hình. Năm nào họ cũng về cái quán nhỏ này, nơi họ từng tụ họp suốt những năm học chung ở trường Cao Đẳng Nghề Nha Trang ngay bên kia đường, để nhậu giỗ thằng bạn cũ.

Ở góc sâu của quán, nấp trong bóng tối, sát với lối đi xuống bãi đá cạnh biển, người thiếu phụ nhỏ nhắn ngồi cạnh bàn nhậu sơ sài dăm món chưa đụng đũa, lặng lẽ nâng ly, nước mắt chảy loang tím mặt chị, loang cả sang màu nước biển và màu gió ngoài kia.

 

Phạm Việt Hà

Tháng 9 năm 2012