Quà tặng

1393786_10151837694718371_1597024420_n (1)

Cuối năm, mình nhận được bao nhiêu là quà tặng.

Thầy tặng cho cuốn sách mới xuất bản, cuốn sách viết về nước Anh bằng ngôn ngữ văn học và trải nghiệm của một chàng trai trẻ xa quê nhà đi học. Mình nâng niu dành để Tết này ngồi đọc. Mỗi năm thầy đều có vài cuốn sách mới, nhiều dự án mới, nhiều ý tưởng mới. Mỗi lần ghé thăm đều học được điều gì đó từ thầy, cảm thấy mình phải cố gắng hơn để làm người thầy đúng nghĩa như thầy đã vun đắp cho mình, để công thầy nâng đỡ không uổng phí.

Hằng giúi cho chị thỏi son nhỏ, bảo Tết nhất rồi, đi đâu phải bôi tí cho nó tươi tắn, trông lúc nào cũng mộc như gỗ ấy. Thỏi son ấy mình nhất định sẽ dùng, bởi nó là sự quan tâm của cô bạn biết rõ tính mình luộm thuôm, và chăm mình theo cách riêng của nó. Chị Ngọc Anh gửi riêng cho cháu gái một cái bánh chưng, chỉ một cái thôi, vì bác cũng chỉ có dăm ba cái, để nhà mày ăn thử. Cái bánh ấy cả nhà mình khen ngon, còn mình thì âm thầm ơn chị. Sát Tết, An rẽ qua nhà cô, mang theo ít xúc xích Hà Giang và lọ măng muối. Năm nào nó cũng rẽ qua, cho cô thứ gì đó ăn được vào mỗi cuối năm, và buôn chuyện tổng kết một năm học hành, yêu đương, làm lụng. Chỉ những người đủ hiểu mình mới cho mình những món quà như thế, những món quà mà họ biết mình sẽ thích, những món quà đủ nhỏ để mình không có cảm giác mang nợ gì ai, và được cho với đủ tình cảm chân thành để mình thấy được tình người ở đó.

Mình ít tặng quà, và nếu tặng, đều là những món quà không đắt tiền. Mình không ky keo, cũng không quá nghèo, chỉ là không muốn người khác có cảm giác rằng mình đang mua chuộc họ, hay nghĩ rằng mình muốn nhận được ân huệ đặc biệt hay sự ban ơn gì của họ, chỉ là hy vọng mình được bình đẳng với người mình kết bạn để những lựa chọn của mình và họ không bị điều khác làm lệch hướng. Đó cũng là lý do mình ít nhận quà, và không bao giờ nhận quà đắt tiền của những người không phải là người thân ruột thịt. Nhưng mỗi món quà mà mình đã nhận, đều được ghi nhớ trong lòng, giữ gìn và trân trọng, dù có dùng được hay không. Từng thứ, từng thứ đều nhắc nhở mình về một ai đó đã quan tâm, đủ yêu quý mình để trao cho mình một món quà riêng, dành thời gian cho mình, nghĩ về thứ mình cần hay thích.

Ngồi họp, lẩm nhẩm những việc mình đã làm trong suốt một năm, mới thấy mình đã nhận được rất nhiều quà tặng từ cuộc sống. Rất nhiều người đã tin tưởng, đã giúp đỡ, đã cho mình một cơ hội, ghi nhận những cố gắng, chỉ ra điều mình làm sai, đã thành thật chỉ trích tật xấu của mình, an ủi lúc mình buồn, làm mình cười nghiêng ngả ngay giữa cơn khủng hoảng, lặng lẽ ủng hộ mình từ phía sau. Mỗi người từng làm việc với mình, đều đã cho mình một món quà của riêng họ trong suốt năm qua.

Cuối năm, nhìn lại thấy mình đã có một năm may mắn. Con trai lớn biết cố gắng học hành, thương mẹ, chiều em. Con gái nhỏ đã chăm chỉ hơn và biết điều mình cần quan trọng hơn điều mình muốn. Ông xã mỗi ngày thêm yêu vợ, quấn quít các con. Bố mẹ hai nhà bình an, vui vẻ. Thế đã là rất nhiều rồi, mình đâu dám đòi quà thêm nữa.

Thế mà năm qua mình vẫn có thêm món quà tặng bất ngờ, là những người đặc biệt mình được gặp, kết bạn và yêu quý. Một người dành thời gian để sửa lỗi chính tả cho bài của mình trên blog, dạy mình về một thế hệ đã đi qua chiến tranh, nỗ lực truyền lại người đi sau rằng sự tử tế  vẫn còn nhiều quanh họ. Một người mẹ không ngừng đấu tranh để chạy chữa cho con nhỏ, chăm lo cho con lớn ăn học, che chở đàn con trước những biến cố không ngừng của gia đình.Thằng cu cháu trai mỗi lần bác vào là một lần kết bạn, hai bác cháu vừa kịp thân nhau thì lại phải rời xa, để lần sau gặp mặt bác lại tán tỉnh cháu từ đầu, lại lưu luyến không rời.  Họ là những người nhận ra mình giữa vô vàn người khác, dành thời gian cho mình, làm mình cảm thấy tốt hơn khi bên cạnh họ. Họ là người mình nhận ra giữa vô vàn người khác, “phải lòng” họ một cách rất tự nhiên, biến họ thành một phần quan trọng của đời mình cũng rất hồn nhiên.

Hóa ra mình đã nhận được bao nhiêu là quà  suốt cả một năm!

Phạm Việt Hà

27 tháng Chạp năm Quý Tị

Bà già và gái xinh

Bài viết cho Tạp chí Tư vấn và Tiêu dùng số Tháng 3 năm 2014.

“Con bướm xinh, con bướm xinh, con bướm đa tình!”

Bà già và gái xinh chơi thân với nhau. Thế mới lạ!

Gái xinh váy ngắn chân dài, áo trễ cổ, ngực đầy eo nhỏ, tóc xù mì, má phấn môi hồng mắt tím đong đưa. Nàng liếc bên trái, các giai đổ rạp về bên phải. Nàng tủm tỉm hất cằm bên phải, đàn ông nghiêng nhoài về bên trái.

Gái xinh đi làm đâu cũng bị tiếng thị phi. Nàng bước vào văn phòng ngày thứ nhất, mục tiêu đang theo đuổi của các chàng lập tức ít thì bị lơ là, nhiều thì đang từ hiện tại chuyển ngay sang thời quá khứ. Với đàn bà cùng lứa, nàng là quỷ dữ hiện hình, là kẻ xấu mù vô duyên hết cỡ, thế nhưng cứ đứng cạnh nàng là họ lập tức trở nên nhòa nhoẹt trong mắt đàn ông như tấm giấy màu phơi ba lần mưa, bẩy mươi ba lần nắng. Cứ có nàng là đám đàn ông đang bị họ ngúng nguẩy đuôi tóc, cong tớn làn môi để hành hạ trở lên cứng đầu cứng cổ, rồi tuột mất khỏi tay nhanh như niềm hy vọng của của các con bạc mê xổ số lúc bẩy rưỡi tối mỗi ngày.

Gái xinh cứ xinh, cứ nhẩn nha lượn quanh các bàn làm việc, cứ tình cờ chạm tóc thơm vào má anh đồng nghiệp đẹp trai ngồi bàn bên cạnh mặc cô người yêu chàng liếc xéo một nhát đứt chéo cái phòng làm việc dài mười ba mét rưỡi. Gái xinh cứ xúng xính váy áo, tươi son đỏ, dài mắt xanh, chúm chím cười mà vào ra mỗi ngày kệ lườm nguýt, kệ tỉa tót xa gần, kệ những bĩu môi dẩu mỏ.

Gái xinh thạo việc, việc nàng làm có bới bèo ra bọ cũng chẳng thể chê, mà có chê thì sếp giai cũng xí xóa cười xòa mà rằng “Này nhé, nàng đẹp thế, thông minh giỏi giang thế, có tí khuyết điểm thì mới còn có chỗ mà cho chúng mày thể hiện. Đấy là nàng tạo điều kiện cho chị em ghi điểm đấy, đừng có mà lấy cớ chửi nàng!”.  Cứ mỗi lần thế, nàng nhìn sếp cười dịu dàng ngọt lịm, làm sếp như nhấp môi vào sô cô la nóng giữa ngày đông. Cứ mỗi lần thế, ruột gan đồng nghiệp nữ lại sôi lên sùng sục, chán cảnh tạo hóa bất công tạo ra nàng đẹp, tạo ra đàn ông mê đàn bà đẹp, tạo ra một lũ sếp toàn giai.

Mỗi bà già là không nhập cuộc, bởi bà già vừa già vừa xấu, ăn mặc luốm thuốm từ đầu. Ngày đầu tiên bà già đến làm, chả ai ngoái đầu hỏi han trừ vài câu xã giao của cô bé ngồi bên cạnh. Bà già kín tiếng chuyện riêng, giỏi bông phèng và hoàn toàn vô hại. Bà già cắm cúi làm, khật khừ đi ăn trưa một mình và chả bao giờ bì tị. Với cả hai phe, bà già là củ bình vôi xù xì củ mỉ. Với cả hai phe, bà già là NGƯỜI LÀM VIỆC VÔ HÌNH.

Mọi chuyện thay đổi khi gái xinh bỗng thân mật với bà già. Bà già phát hiện ra cái cô tưởng nông choèn choẽn ấy lại là con bé cương cường đã trải qua bao nhiêu là sóng to gió cả. Dẫu váy ngắn ngực sâu quá thể (theo chuẩn bà già), cái con bé lúng liếng đong đưa ấy không dễ để đàn ông sờ lên ngực hay lần tay dưới váy. Và dẫu cằm luôn hếch lên ngang ngược và bất cần đời, gái xinh vẫn khối lúc cúi mặt khóc thầm khi vờ đang làm tài liệu. Bà già nhìn ra, củ bình vôi lặng lẽ góc nhà ấy có cơ hội thấy tất tật những dọc ngang, phải trái, bi hài của cái văn phòng 15 mét rộng, mười ba mét rưỡi chiều dài khi những người khác còn đang bận diễn.Bà già vờ lướt qua bàn để bí mật đưa nàng cái khăn lau nước mắt, hay  lặng lẽ đặt trước mặt nàng một cốc trà nóng để ủ tay. Chỉ thế thôi, với gái xinh đã là rất nhiều, rất đủ để có một người bạn giữa vô khối đối thủ trong cái văn phòng bé tí chật những người.

Rồi thì nàng nhận ra, người đàn bà cặm cụi như rô-bô và lặng lẽ như bình vôi ấy hoàn toàn không ngốc. Bà già chẳng thích bon chen, từ quần áo đến chỗ ngồi, từ miếng ăn đến lời nói. Bà già cũng không phải người không hiểu chuyện, biết lắng nghe mà không phán xét, hay mủi lòng và rất biết an ủi. Bà già hóa ra không hẳn là củ bình vôi, cũng chẳng phải rô bô vô cảm.

Giờ thì cả bà già và gái xinh đều đã rời cái văn phòng rộng dài không cân ấy. Gái xinh vẫn xinh và bà già thì vẫn xấu. Họ vẫn là những kẻ lẻ loi ở những nơi họ đến bởi họ sinh ra và lớn lên để chẳng thuộc số đông. Nhưng hình như vì thế, họ đặc biệt, theo cách riêng của mỗi người.

Phạm Việt Hà

Đêm cuối năm (hay đêm đầu năm nhỉ?)

Tháng 1 năm 2014

 

Đừng quên

Đừng quên anh, đừng quên anh, em nhé!

Lần đầu tiên, quán vỉa hè cũ kỹ

Tóc em bay chạm môi anh,

Mùi trà xanh lướt qua rất khẽ,

Chỉ vậy thôi!

***

Đừng quên anh, nơi thành phố rất xa

Trời xanh cao như biển rộng vỡ òa,

Em đứng đợi bên này cây cầu tuyết phủ

Còn anh, cứ chờ mãi bên kia.

***

Đừng quên anh, gió lộng giữa bốn bề

Dáng người nhòa giữa tiếng tàu xe

Tiếng người nhòa giữa hai dòng nước mắt

Ngón tay em tím buốt,

Bám chặt cửa toa tàu.

***

Cả đời mình mải miết tìm nhau

Để rồi lạc chân trong tích tắc,

Chỉ còn lại  trái tim tím tái trong lồng ngực nặng

Rạn vỡ vì nhau.

Nhật ký Tết

Bài viết cho tạp chí Tư vấn Tiêu dùng số Tết Giáp Ngọ (viết lại từ một note cũ)

Chiều thứ 6 rồi, mai làm lễ tiễn vợ chồng nhà Táo lên trời. Hai ông với một bà, vậy mà cả ba vẫn luôn vui vẻ mà vun vén, lo chuyện bếp núc cho khắp thiên hạ. Ngày mai được nghỉ Tết, mình sẽ đi chợ, cho bọn trẻ đi sắm quần áo mới. Mua cho mình một cái áo sơ mi trắng thật đẹp để mặc với quần Jeans, thêm ít đĩa nhạc hay để cả nhà vui Tết.

IMG_8910Thế là kế hoạch đi mua sắm bị phá sản. Mình bị giữ chặt chân ở nhà vì việc dọn dẹp sắp xếp nhà cửa, gói thêm cân giò thủ, ninh sẵn nồi măng. Hình như việc nhà càng làm càng bận. Dù sao vẫn kịp mua vài đĩa nhạc ưa thích,vậy cũng vui lắm rồi. Bố mẹ cũng đang bận thu xếp nốt những việc cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị quà để đi Tết ông bà, cô chú hai bên nội ngoại; sắp lên bàn thờ, bày trên bàn trà và trong phòng khách chút hoa lá và sản vật bốn mùa. Rồi thì mọi việc cũng xong xuôi. Chúc một năm mới yên vui cho tất cả bạn bè, người thân!

 

Ba chú cháuBốn rưỡi sáng ngày 30 Tết, trời đất còn đang ngủ say sưa, mình cùng cô bạn thân đi chợ hoa Quảng An. Trời đổi gió Đông Bắc, lạnh và khô. Vẫn còn tối, vậy mà khu chợ hoa đã tấp nập người mua bán. Cúc vạn thọ vàng, hoa hồng, hoa hải đường từ ngoại thành đưa vào,  lay- ơn và hoa ly từ Hải Phòng, Đà Lạt đưa lên. Người mua, người bán không nhìn rõ mặt nhau, xem hoa phải dùng đèn pin mà rọi, vậy mà vẫn mua mua bán bán, vẫn ríu rít vui vẻ những tiếng cười. Trời vừa sáng rõ mặt người, tay hai chị em đã ôm đầy những hoa: ly hoàng yến để cắm trong bình pha-lê ở phòng khách, hồng tỷ muội và thạch thảo cho góc nhỏ riêng của hai vợ chồng, lay-ơn đỏ nhớ bố Phương, cúc vàng để cắm trên bàn thờ ông bà tổ tiên. Lên xe về đầu đê Yên Phụ, gọi bát phở bò nóng hổi, nhấp một thìa nước phở nóng thơm mùi hoa hồi vỏ quế, ngọt đậm vị xương, thế là đủ ấm lòng kẻ đi chợ sớm mai.

IMG_1672Tám rưỡi sáng, cả nhà xuất phát về quê, chú năm nay thịt lợn mán khao Tất Niên cả đại gia đình, tiện luôn mừng nhà mới. Về đến nơi, lợn đã mổ xong, cả sân nhà lung linh lửa đỏ, thơm lừng khói bếp. Lòng người quê giàu có, sản vật quê thật thà: nào lòng dồi, tiết canh, thịt nướng, tái lăn, nào canh khoai, nào thịt hấp, nào rau thơm rau húng, nào chanh ớt xả, những mùi chỉ riêng quê Việt có, những vị người Việt đi đâu cũng nhớ thương. Nồi bánh chưng thím gói từ sáng sớm đang reo trên bếp lửa, bọn trẻ trai ngồi bệt trên nền đất xung quanh, lấy củi cời khoai nướng vùi tro bếp, bà nội móm mém ra vào chỉ đạo, nhắc con cháu nhớ phần người này, nhớ sắp mâm kia. Thi thoảng bà ngồi lặng ngoài hè, chắc bà nhớ chú thứ còn ở nơi xa không được về ăn Tết, xót xa em năm nay không còn ríu rít ngoài sân. Bọn con gái chẳng nghĩ gì đến chuyện ăn uống, ríu rít rủ nhau chơi nhảy dây, xem hoạt hình. Con trai hãnh diện ra sân biểu diễn cái máy bay điện mới mua cho các chú xem. Tết ấm áp,Tết no đủ đã về.

Tết của DươngSắp đến giao thừa, xôi gà, đồ lễ đã xong xuôi đâu đấy cả. Phòng khách sáng và ấm với hoa và cây cảnh. Rượu, mứt, trà đã bày sẵn trên bàn, chai vang quý đã ủ lạnh sâu. Giá sách nhỏ đã no nê là báo Tết. Con gái xúng xính bộ báo dài lụa hồng mẹ mới may cho. Con trai đã diện bộ vét mẹ là sẵn. Mình làm nốt những việc cuối cùng, rồi lên phòng thay áo dài, chải lại mái tóc, tô thêm chút son, tề chỉnh trang nghiêm cùng mẹ đã thắp tuần nhang đầu tiên để tiễn năm cũ đi, mừng năm mới đến. Năm mới đã đến cổng nhà rồi!

Suốt mấy ngày Tết ,không nghe điện thoại, không thư từ thăm hỏi, không tiếp khách. Mình đi chùa, đọc sách, làm việc nhà, đưa bọn trẻ về quê chơi cùng các chú và cụ nội. Mai, cả nhà sẽ đi Mộc Châu, sẽ được nhìn thấy rừng đào nở muộn, những cánh đồng vắng người và màu xanh sẫm hút mắt chỉ có ở miền sơn cước, sẽ được đón mây ùa vào phòng qua cửa sổ, và ngắm cảnh chiều tà nhè nhẹ đi qua. Sẽ lại thêm một năm yên bình ấm áp, nhất định thế! 

Phạm Việt Hà

Sài Gòn có gì hay?

“Em còn nhớ hay em đã quên

Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng”

Sài Gòn có gì hay nhỉ?

Sài Gòn chẳng có gì, ngoài rất nhiều quán xá, những món ăn dân dã và những buổi chiều mát dịu. Trốn cơm nhà, chạy xe tà tà quanh phố, xà vào quán bánh xèo bà Mười chén gọn một xuất còn chưa đã, rẽ qua quán “sâm lạnh” ngã tư Bảy Hiền, hổng có biết loại nào với loại nào, rụt rè “Em cho chị mỗi loại một ly”. Cô chủ quán Nam bộ cười thiệt ngọt thiệt hiền, bưng ra trước mặt mình một lúc 4 cái ly. Uống từng ly một, đứng dậy thấy muốn bể luôn cái bụng, chỉ để biết rằng “nước sâm” đâu có nấu từ sâm. Cả buổi chiều tự cười mình ngộ, thấy Sài Gòn dễ thương, gái Sài Gòn ngọt và mát còn hơn sâm lạnh.

Sáng sớm ra chợ, cơ man nào tôm cá rau dưa.  Mẹ lúc lẳng cái làn đỏ lựa mua đủ thứ, rồi dăm ba câu với cô hàng chuối, rồi khen cá lóc dạo này to mà ngọt, rồi kêu ca cậu bán thịt lựa sườn non cho má lần trước cứng, cứ như một bà má Sài Gòn thứ thiệt. Chị bán hàng tôm bả lả mời má mua cua Cần Giờ mới lên, cô hàng rau thảy thêm có má mấy cọng ngò gai vào làn, cậu hàng thịt lựa đền cho má cái bắp lõi rùa thiệt chúa. Mẹ tôi đi chợ mà như đi hội vậy, vung vẩy vui vẻ. Bà mẹ Hà Nội đã yêu, đã mến đất miền Nam thiệt rồi.

Sài Gòn thiệt kỳ, tiểu thương chợ Bến Thành gọi khách mua hàng mà kéo tay như quen từ trước “Em gái Hà Nội, vào đây chị hai hỏi chút việc nè!”. Hỏi chi một lát, tui quay ra với cái ví rỗng và hai túi đầy đồ khô, cá sặc, kẹo me, lòng vui phơi phới vì được mấy chị khen hoài là biết lựa, ra đến cổng rồi mới biết mình đến tiền đi taxi về cũng đã tiêu hết sạch trơn. Chợ An Đông thì ngược lại, ai xem kệ xem, nhiều khi hỏi mua cũng không thèm bán, bởi chỉ bán sỉ cho khách lấy quen. Mấy bà mấy anh gọi nhau bằng a-chế, a- ca, thỉnh thoảng gọi điện đặt hàng dùng toàn tiếng Quảng. Tôi hỏi mua bằng tiếng Quan Thoại, mấy anh vui ra mặt, nói con gái Hà Nội mà nói được tiếng Hoa vậy hay ghê à nha. Nói qua nói lại, bớt thêm cho luôn hai giá mấy cái quần jeans.

Những quán nước Sài Gòn thường không quá sáng, đèn màu nhấp nháy ngay cả không phải ngày lễ hội, nhạc sến hải ngoại da diết. Tôi nghe riết mấy bài nhạc sến của cái quán đầu ngõ nhà mẹ réo vọng vào, bỗng thấy mình một hôm vừa rửa bát vừa ca “Nếu ai có hỏi bao giờ chúng mình đẹp đôi. Em ơi! đừng tủi, đừng buồn canh vắng đơn côi”. Đang ca vội ngậm ngay cái miệng, tui giờ thuộc nổi hai câu nhạc sến nữa trời!

Mỗi lần đến Sài Gòn, tôi mừng niềm vui gặp gỡ người thân, sung sướng được sống nơi đất, người, cảnh vật đều mới lạ. Và mỗi lần trở về, đều để lại một phần trái tim mình và mang đi rất nhiều thương nhớ.

 Phía sau, là mẹ tôi lam lũ sáng chiều cơm nước, đón cháu chăm con. Phía sau, là em tôi bỏ nghề cao sang sạch sẽ để lăn lê bò toài trong xưởng như thợ máy, là chị tôi mảnh mai gân xanh, cổ gầy, giản dị lặng lẽ việc nước việc nhà. Nhà toàn người kiệm lời, lời ngọt ngào càng không biết nói. Chỉ là chị gái bỏ việc về ăn với em một bữa cơm, là em trai đèo chị trên cái xe cũ mới độ phành phạch chạy quanh quanh, ăn dăm món Xì-Gòng lạ miệng, và cháu trai nhảy lên ôm cổ bác líu lo “Bác Gà, bác Gà!”. Phía sau tôi, là những phố dài, thơm mùi lá me mới rụng, là cảm giác lâng lâng lúc nắng lên cao đỉnh đầu ngay giữa trời mưa, là thành phố ầm ào cơm áo nhưng lại yêu thiết tha vọng cổ và nhạc sến.

Và mẹ, sẽ lại rất nhớ con, nhớ quê nhà xa cũ. Em trai tôi sẽ lại tha thiết nhớ Hà Nội 
và những kỷ niệm tươi đẹp nhất của thời trai trẻ mà nó đã để lại trong ngôi nhà cũ nơi tôi về.

182444_10151375450803371_436212256_n

Phạm Việt Hà

Tháng 1 năm 2013