Tắm mưa

Đang đạp xe từ Đại học Thủy Lợi xuyên qua làng Khương Thượng về Trường Chinh thì mưa bất ngờ đổ ào ào xuống đầu. Bà con chạy toán loạn trú mưa, đường làng bỗng chốc vắng tanh sũng nước. Đã định tạt vào đâu đó trú, chợt nhận ra lâu quá rồi chưa được tắm mưa. Chỉ còn hơn cây số nữa là về đến nhà, đường làng lại thênh thang, mưa rào mát rượi, tự nhiên lòng muốn hét lên “tắm mưa đê!”. Thế là cứ thế thủng thẳng đạp xe trong mưa như con dở hơi. Mắt kính nhòe nhoẹt, kệ, tay lái xe tay lau mắt kính. Đầu tóc quần áo, điện thoại ướt sũng, kệ, về nhà sấy sau. Mưa đầu mùa chứa đầy acid và bụi độc, kệ. Những người đang trú mưa dọc đường nhìn nửa tò mò nửa băn khoăn như nhìn con dở, kệ, cứ đạp xe tung tẩy giữa trời mưa và sấm chớp ì ùng, đầu óc sạch bong những vướng bận, những to do list dài dằng dặc và cả nỗi lo sẽ nấu gì cho bữa sáng của bọn nhóc sớm mai.

Đầu hè, cơn mưa rào đổ xuống đúng vào lúc bọn trẻ trong ngõ không đi học, những đứa đầu tiên thấy mưa nhảy bổ ra giữa sân chung trong ngõ 9A, hét tướng lên “Tắm mưa đê! Tắm mưa đê chúng mày ơi!”. Từ những ngôi nhà hai bên ngõ, những cái đầu tóc ngắn tóc dài lố nhố chòi ra, những đứa trẻ quần đùi cởi trần, áo hoa quần lửng đủ loại túa ra mặt ngõ, nhảy nhót sung sướng đón mưa. Dăm bà mẹ  kịp xỏ dép chạy theo túm con nhét ngược vào nhà, dăm ông bố  ló đầu ra quát với theo dặn dò về ngay kẻo lạnh. Kệ, bọn trẻ sẽ chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng mưa ào ào, tiếng sấm ì ùng và tiếng hò la sung sướng. Cả bọn chạy thẳng ra cổng ngõ trên mặt đường ngập nước, vừa chạy vừa xô-huých-ủn-đẩy nhau, vừa chạy vừa đá nước văng tung tóe, vừa hò hét gọi thêm những đứa khác nhập hội tắm mưa. Cơn mưa đầu mùa hạ trong ngõ nhỏ của bọn trẻ chúng tôi hồi đó, giống một trò chơi mùa vụ mong mãi mới trở về, như tiếng trống báo giờ ra chơi, như tiếng vẫy gọi và hứa hẹn một mùa hè tự do tha hồ chơi nhởn không thầy cô không lớp học. Những đứa trẻ ướt sũng, áo quần bám chặt người chạy tung tăng khắp ngõ cười đùa nghiêng ngả, quên sạch bụng đói, quên sạch những ông bố nhăn nhó và bà mẹ cằn nhằn, quên sạch mọi nỗi đau khổ nho nhỏ kiểu trẻ con. Vậy mà đã gần ba chục năm rồi, không tắm mưa và đã quên mất phần nào niềm vui tự do của những đứa trẻ chạy giữa trời mưa đầu hạ.

Về đến nhà thì quần áo người ngợm như vừa được vớt dưới ao lên, đôi giày bệt nặng trịch những nước kêu lép nhép. Con gái ra mở cửa cho mẹ hét tướng lên khi thấy mẹ cười toe toét trong bộ dạng tóc tai quần áo ướt sũng nước rỏ lộp bộp. Mình đưa con túi đế bánh pizza đã bắt đầu ngấm nước, tự cười mình già rồi còn bồng bột kiểu rất trẻ trâu. Nhưng nhất định sẽ có lúc nào đó mình lôi con gái đi tắm mưa rào, nếu không nó sẽ chẳng bao giờ có được niềm vui mà mẹ nó có hôm nay.

Phạm Việt Hà

Đầu Hạ năm 2014

Rồi đến lúc

Hồi nhỏ, bà ngoại có một cái hòm gỗ rất to, đồ đạc quý giá của bà đều cất trong đó, từ cái khăn bông bay Liên Xô, gói nho khô bác rể đi nhiệm kỳ về biếu, cái áo bông mẹ may cho bà dịp Tết, đến những đồng tiền được bà chắt chiu cất kỹ trong ba lần túi vải tự khâu. Bà dùng hẳn một cái khóa Việt Tiệp to tướng khóa nắp hòm, khiến nó trông như một pháo đài bất khả xâm phạm. Tôi khoái nhất trèo lên nắp hòm ngồi chơi đồ hàng, chán thì lăn ra ngủ, đòi bà quạt với xoa lưng. Bà sẽ vừa quạt , vừa mắng yêu “bố mày, cứ nện rầm rầm trên hòm thế, rồi đến khi bà hai năm mươi, chẳng còn lấy thanh gỗ nào lành mà làm quan!”.  Những ngày nắng, bà đem mấy tấm áo còn mới tinh, quần sa-tanh Nam Định, khăn vấn nhung the ra phơi ở sân sau nhà bác. Tôi hỏi sao bà không mặc quần áo mới, mà cứ cất mãi vào hòm. Bà cười cười “Bà dành để mặc lúc bà quy tiên.” Tôi quen dần với chuyện bà chuẩn bị cho cái chết, như thể đó chỉ là chuyến đi xa dăm bữa rồi về.

Bố tôi học cơ khí, nhưng làm đủ nghề nuôi con, trong đó có việc lọc vàng. Các mối mang về đủ thứ có chứa vàng, từ bụi vàng khai ở mỏ, đến linh kiện máy bay, bố dùng a-xít lọc sạch tạp chất, dùng đèn khò viên lại thành viên rồi trả họ. Nhà chật, bố giấu cả đống hóa chất dụng cụ trong bếp, dặn dò từng đứa không được nghịch cái này, sờ vào cái kia. A-xít Sun-phua-ríc là loại bố dùng nhiều nhất, hơi mọt hết dây thép buộc kèo tre, mủn cả ngói bếp.  Mùi sun-phua lúc nào cũng nồng nặc trong bếp, trên nhà. Làm được dăm năm thì bố bắt đầu ốm. Cái chết được báo trước bởi lựa chọn sinh kế, bố biết thế nhưng vẫn làm, bởi hình như ông cũng chẳng còn lựa chọn nào hơn thế, bởi ông cần kiếm sống cho con hơn giữ sự sống cho bản thân mình.

T với tôi là con chú con bác. Hai chị em gái bằng tuổi, cùng học một trường từ bé. T xin xắn nhanh nhẹn phổng phao, tính tình hiền hòa và rất dễ mủi lòng. Hết trung học em vào Sài Gòn học nghề uốn tóc, ra mở cửa hiệu rồi lấy chồng. Hồi tôi còn đi học, T đã kiếm được rất nhiều tiền nhờ nghề giỏi cửa hàng đông khách. Thi thoảng, nó nhấm nháy mua cho chị một thứ gì đó rất con gái, vừa cười vừa chê chị tồ tệch chẳng biết làm dáng tí nào. Tôi cưới chồng, nó diện đẹp như hoa hậu đi đưa dâu, thật lòng mừng cho chị. T mất vì bệnh ung thư cổ tử cung, khi em chưa đầy ba mươi tuổi và cháu tôi còn rất nhỏ. Những cơn đau nhanh chóng hành hạ rút cạn thịt da nhan sắc một thời. Em cầm tay tôi rưng rưng lúc còn nói được “Chị ơi, sao lại thế này!” Em tôi còn quá trẻ, quá yêu đời, còn quá nhiều điều cần làm để chết, vậy mà cái chết vẫn đến gọi tên. Những người thân của em chỉ có thể ở bên em những lúc em cần, không thể làm em hết đau, cũng không thể ngăn cái chết. T ra đi vật vã, đau đớn và day dứt, bởi chồng em đã vội từ bỏ cuộc chiến giành sự sống cho em ngay khi cuộc chiến mới bắt đầu. Có lẽ cả chồng em cũng chưa sẵn sàng để đương đầu với biến cố  lớn đến vậy.

Tôi nghĩ nhiều về cái chết khi còn rất nhỏ, nhiều nhất là những ngày thăm bố trong bệnh viện. Những người nằm cạnh hôm trước còn rủ ông ra cổng viện uống nước chè, hôm sau đã được y tá quấn khăn trắng mang đi trên giường đẩy. Những con chuột to bằng cổ chân, mắt đỏ lừ chạy trong hành lang bệnh viện ban đêm, rít gọi nhau trong bóng tối. Những máy trợ sinh loằng ngoằng dây dợ, những cơ thể người trần truồng co quắp, tiếng kêu rên của người bệnh, khuôn mặt bạc nhược tuyệt vọng và tiếng thở dài của người đi chăm. Cái chết, sự sợ hãi và tuyệt vọng lẩn quẩn khắp ngóc ngách phòng bệnh, toa-lét, hành lang. Lúc đó tôi rất sợ, sợ đến co thắt ruột gan mỗi lần đi từ phòng bệnh về nhà. Nỗi sợ hãi quẩn quanh cả trong giấc ngủ, như tấm mạng nhện to dần, rồi đổ ụp lên đầu làm tôi ngạt thở.

Những năm tháng đã giúp tôi nhìn mọi chuyện khác đi. Giờ thì tôi đã có thể thức trắng đêm ở bệnh viện mà không sợ hãi,  có thể thay ga, thay quần áo khi người bệnh vẫn đang nằm, đã có thể pha trò động viên như thật khi mà trong lòng đang thắt lại vì lo. Tôi cũng nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi ai cũng ghét vào. Đó là  tình yêu thương lan tỏa vượt lên trên sự tuyệt vọng trong những phòng bệnh nặng, là những ông bố bà mẹ lặng lẽ kiên cường bên con nhỏ, là niềm hy vọng được duy trì ngay cả khi không còn hi vọng, là những cưu mang nhỏ nhặt nhưng nặng tình người. Tôi đã có thể tự tay lau rửa cơ thể còn ấm của một người thân vừa mất, mặc cho em bộ quần áo đẹp, tiễn em đến nơi mà ai rồi cũng đến. Tôi đã hiểu rằng cái chết là một phần của sự sống, và vì ta chẳng thể nào tránh được, chi bằng cứ điềm nhiên mà sống cho trọn vẹn những ngày đang có, để lúc nó đến ta có thể mỉm cười.

Tôi vẫn sợ chết, sợ nó đến với những người tôi yêu quý. Chỉ là nỗi sợ hãi đến tận cùng ấy đã được lường trước, và tôi đã chuẩn bị đối mặt thay vì chạy trốn, nếu có ngày nào đó nó đến đứng trước mặt tôi.

1620501_10152038061228371_2004070056_nPhạm Việt Hà

Tháng 4 năm 2014

 

 

 

 

 

 

 

 

Kết bạn

DSC00100

Mình gặp ai, cũng cố gắng nhìn người ấy như một con người, giật bỏ những cái mác xuất xứ, mác giá, mác thương hiệu mà xã hội hay bản thân người đó đeo móc  lên người họ, cố gắng nhìn xuyên thấu tính cách và phẩm chất xem họ là ai, chứ không phải họ là gì. Bởi  nếu kết bạn với một người, mình mong đó là vì bản thân người ấy làm mình quan tâm quý mến và ngược lại, chứ không phải những gì người ấy khoác lên người.

Mình quen biết nhiều người, chủ yếu là do quá trình đi làm thuê hay đi học, mỗi nơi một ít. Làm ở đâu, cũng gặp được một vài người rất tốt, quý mến nhau dần thành bạn. Những người mình coi là bạn đều thực sự là bạn của mình, cũng đều nhìn mình theo bản chất không theo giá thị trường, cũng đều kết bạn với mình chỉ bởi họ thích con người mình như mình thích họ. Mình biết mình may mắn lắm mới có được những người bạn ấy.

Mình có một nguyên tắc cơ bản là không làm ăn với bạn, và không kết bạn với đối tác hay sếp khi còn đang làm việc với họ. Cuộc sống không cho ai mọi thứ, mình không làm việc với bạn để giữ bạn luôn là bạn, cũng không kết bạn với đối tác, sếp đương nhiệm để quyết định của mình và họ không bị ràng buộc bởi những ràng rợ tình cảm, để sự tôn trọng và sòng phẳng luôn được đặt ngang hàng, để mình và họ đều không cấn cá nợ gì nhau khi phải ra một quyết định cần làm. Dẫu có quý mến họ thật lòng, mình luôn giữ cái khoảng cách an toàn cần có đó.

Không phải lúc nào người mình muốn kết bạn cũng muốn làm bạn của mình. Có người từng là bạn thiếu thời thân thiết, cùng chia nhau cái oản giữa giờ chơi, cùng nhớ mẹ nước mắt rơi lã chã buổi tối ôn bài thi đại học, nhưng lúc trưởng thành rồi khi đã là ông nọ bà kia, quyết định rằng mình không còn xứng làm bạn họ. Có người vừa gặp đã khiến mình tự nhiên quý mến, mê mẩn hồn nhiên say sưa tìm hiểu. Nhưng bản thân mình (và cả những cái mác mình mang và không mang) quá ít ỏi để họ muốn làm bạn với mình. Vào thời điểm nhận ra mình đang được định giá bởi những cái mác gắn trên người, là lúc mình quyết định từ bỏ ngay mối quan hệ đó. Tình bạn hay bất cứ tình cảm thuần túy nào khác, chỉ có thể tồn tại khi đó là tình cảm từ hai phía, hoàn toàn không phải thứ xin-cho.

Mình ngày càng khó tính hơn khi kết bạn, chắc tại mình đã bị tổn thương hoặc vô tình làm tổn thương ai đó vài lần, và thấy không thể chịu thêm nhiều lần như vậy nữa, có thể vì mình đã có thể tự kết bạn với bản thân, có thể mình đã trở lên lười biếng để hiểu một người và làm một người hiểu mình khi cùng xây đắp một tình cảm mới, nhưng cũng có lẽ bởi mình đã có thể yêu quý một người mà không cần người ấy nhận ra hay biết tới mình.

Mình vẫn có rất nhiều đồng nghiệp, người quen, những người biết mình khá rõ để làm việc cùng mình, những người mình thực lòng trân trọng, mến mộ. Mình vẫn sẽ tự tin giữa những đám đông khác biệt hay ở những nơi chỉ có một mình, bởi hình như đã đến lúc mình có thể tự chịu đựng cái tôi cô độc của mình.

Phạm Việt Hà

Tháng 4 năm 2014

Tôn giáo

–          Tôn giáo của bạn là gì?

–          Không có

–          Vậy bạn là dân vô thần rồi?

–          Cũng có thể nói như vậy, dù tôi kính trọng mọi tôn giáo.

–          Nếu kính trọng, sao bạn không có đức tin của riêng mình?

–          Có chứ,  đến giờ thì tôi vẫn tin vào con người.

–          Như thế có ngạo mạn quá không?

–          Không hẳn. Tôi tin vào con người, rằng chúng tôi phải chịu trách nhiệm trực tiếp và gián tiếp cho những hành động của mình, bây giờ và ở thế giới này. Tôi tin vào lựa chọn của mỗi cá nhân, của tôi. Tôi không bảo những người theo một tôn giáo nào là sai. Với tôi, đó là một lựa chọn cá nhân thôi.

–          Cũng có thể vì bạn chưa từng tìm hiểu một tôn giáo nào?

–          Tôi đã đọc Cựu Ước, dịch Thiên kinh Quran và nghe giảng kinh Phật. Tôi quan tâm đến tôn giáo, và kính trọng nó, giống như kính trọng những nền văn hóa khác nhau.

–          Sống không có tôn giáo, sẽ khó khăn hơn và dễ sa ngã hơn nhiều.

–          Đúng vậy, vì không thể xin ai tha thứ được cho mình, không thể quay ra tìm kiếm sự hứa hẹn hay tưởng thưởng ở một thế giới khác, không bị răn đe bởi những trừng phạt ở kiếp sau hay vào ngày Phán Xét, tin vào con người là đức tin khó nhất.

–          Bạn sẽ luôn tin vào con người chứ?

–          Cũng không biết  nữa, tôi có thể thay đổi mà. Biết đâu sẽ có lúc nào đó, tôi chọn đi theo một tôn giáo. Và dù thế, đó vẫn là một quyết định cá nhân.

Một cuộc nói chuyện về chủ đề tôn giáo với nhóm bạn từ các nước ASEAN năm năm trước. Bỗng nhiên nhớ ra, và muốn ghi lại. 

Phạm Việt Hà

Tháng 4 năm 2014

 

Như cánh vạc về chốn xa xôi

“Gió sẽ mừng vì tóc em bay cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi”- Trịnh Công Sơn

Lần ấy, chị Hương từ Sài Gòn ra, đón em về chơi cùng. Mình đang ngủ trưa thì nghe tiếng đàn ghi ta và tiếng chị hát rất khẽ “Tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh.” Chị mình ngồi nghiêng, tựa hờ vào cột hiên nhà, ôm cây guitar hát, tóc mềm nâu óng ả lòa xòa trong nắng xiên chiếu, giọng hát mảnh, nhẹ và buồn. Cả buổi trưa ấy, mình nằm ngắm và nghe chị hát, cố không cựa mình, không gây tiếng động sợ hình ảnh và tiếng chị hát tan biến đi như một giấc mơ. Mình chưa từng kể với chị về trưa hôm đó, lặng lẽ lưu giữ vẻ đẹp thuần khiết riêng tư khi trải  lòng mình qua lời bài hát, dịu dàng tan chảy trong cảm xúc của chị. Những năm xa cách, mình thường lấy hình ảnh buổi trưa hè ấy của chị ra ôm ấp, lấy những cử chỉ dịu dàng khi chị vuốt phím đàn, vén phần  tóc  mai xoăn lòa xòa lên vành tai, lấy giọng hát rất nhẹ và tĩnh của chị ra mà thương nhớ.

Hôm nay, cô học sinh mười bẩy tuổi của mình viết trên facebook “Cuộc đời thật là chán, chỉ muốn chết đi để không phải nghĩ nữa!”. Đã có lúc, khi bằng tuổi em, mình từng muốn buông tay ngừng cố gắng, để cuộc sống kéo đi đâu mặc kệ. Nhưng chính những kỷ niệm của cuộc sống an bình mình từng có, chính hình ảnh bố hì hục sửa xe đạp cho con gái, làm diều cho con trai nhỏ trước sân, chính hình ảnh mẹ nhễ nhại mồ hôi đạp xe từ ủy ban mang cặp lồng phở hội nghị về cho mấy bà cháu, vừa lục cơm nguội độn mì ăn với mắm chưng vừa cười hạnh phúc nhìn đàn con ríu rít quanh tô phở, đã  làm ấm những ngày khó nhọc, làm dịu những căng thẳng mệt mỏi, làm mình tin rằng cuộc sống rồi sẽ tốt hơn. Bố mẹ và chị mình chắc không hề biết, họ đã để lại cho mình chỗ dựa ngay cả khi họ không ở bên mình, là những kỷ niệm ấm áp tuổi thơ.

Thứ hai đến thứ bẩy, đúng bẩy giờ kém mười, khi con trai đã ăn sáng xong và đi học, mình lên phòng gọi con gái dậy. Con cò nhỏ nũng nịu quàng tay ôm cổ, rúc mặt vào ngực mẹ nhì nhèo nằm cùng con thêm dăm phút nữa. Tóc con mềm như lụa chảy xuống ngực, xuống tay mẹ, con gái bé nhỏ đang lớn dần thành thiếu nữ, là vẻ đẹp tràn đầy nữ tính và nhựa sống. Ăn sáng xong, con sẽ vừa quàng khăn đỏ, vừa vội vàng uống nốt cốc sữa, khoác áo, xỏ giày, quàng ba lô đi học, không quên quay vào thơm hai má mẹ thật kêu, ôm ôm rúc rúc thêm dăm cái nữa, rồi mới ba chân bôn cẳng chạy chân sáo tới trường.  Cái kiểu vội vàng rối rít, láu cá tranh thủ chùi miệng còn đầy sữa vào áo mẹ, nét mặt con trong lành hạnh phúc là vẻ đẹp an ổn nhất mình được thấy mỗi sớm mai.

Những người thân của mình không biết, họ mỗi ngày đều đang cho mình thêm lý do để sống tốt hơn, những kỷ niệm để nương dựa lúc khó khăn, giúp nuôi dưỡng tình thương và lòng trắc ẩn, ngăn mình không làm những điều độc ác. Thi thoảng, lúc đi làm, thấy một ông bố quỳ xuống buộc dây giày cho con, nắm tay con thật chặt trên đường đi học, hay bón cho con ăn trong quán ven đường. Buổi chiều, trước cửa trường mầm non cạnh nhà, bọn trẻ chạy ào ra lao vào vòng tay bố mẹ ông bà.  Bà cụ tóc bạc phơ cầm quạt nan quạt cho cháu nghịch cát giữa sân, cô chị líu ríu đón em líu lo dung dăng trò chuyện đường về. Những người xa lạ ấy, cũng đang vô tình cho mình thêm một ngày vui.

Hôm trước, lúc mình cắt móng chân cho thằng cò anh, con cò em nhìn mẹ trân trân rồi bảo “Mẹ ơi, tóc mẹ đẹp nhất trên đời”. Mình chợt nhận ra, cả mình cũng đang để lại những hình ảnh đẹp cho con mà không biết. Thế nên, mình phải sống hạnh phúc hơn, yêu thương nhiều hơn, để lúc nào đó như cánh vạc bay đi, dáng hình mình còn ở lại với con như nguồn yêu thương, động viên anh ủi.

1966127_10152060723568371_2143741197_o.jpg

Phạm Việt Hà

Tháng 4 năm 2014