Thu khác

DSC09054Trời bớt nóng, những cơn mưa hạ cũng không còn về dồn dập, mùa cưới bắt đầu ngày càng sớm, mới cuối tháng tám mà đã rộn ràng những thiệp mời, đám hỏi. Tôi mặc áo dài đi ăn đám cưới, lặng lẽ mỉm cười nhìn hình mình với tóc vấn trong gương, tự nhủ mình đã sang tuổi không còn nghi hoặc bản thân, không còn ảo tưởng ở cuộc đời, không còn ham hố những thứ vốn chẳng thuộc về mình. Những đám cưới vẫn vậy, ồn ào đến, rào rào ăn, loa đài kèn trống ầm ầm, áo xống xênh xang rực rỡ. Tôi thầm mong những cặp đôi sẽ dần đi qua những long lanh hạnh phúc ban đầu, qua được những khúc quanh, đi được cùng nhau cả những khi gian khó, để hạnh phúc không chỉ là lớp băng mỏng tan đi khi trời nắng ấm, mà là nước lặng sâu gắn kết con người.

Mùa Thu chắc chắn đã về rồi vậy mà mùa hè vẫn còn như náu mình đâu đó. Một vệt son môi đỏ sẫm như ánh mặt trời sắp lặn ở Hồ Tây, một tà áo bay, vai trần, mũ rộng vành và sandals đi biển. Giọng ai hát du ca bên Hồ Gươm ngày cuối tuần rực nắng, những bông hoa hồng trắng trên bàn cà phê Thủy Tạ, những đứa trẻ say sưa liếm kem ốc quế trên hè phố Tràng Tiền, bà bán hàng rong cười toe toét sau chậu sấu chín dầm ớt đỏ trước cổng trường Trần Phú. Đấy thôi, tôi vẫn nghe một mùa hè nhè nhẹ bước giữa mùa thu.

 Những cốm xanh, hồng đỏ, đèn lồng, mặt nạ, trống đã quân đã tưng bừng ngoài chợ. Bác tổ trưởng đi gõ cửa từng nhà thu giấy khen trẻ nhỏ để làm lễ phát quà, nắn nót viết lên bảng thông báo ngoài ngõ về buổi phá cỗ rước đèn làm chung cho cả xóm. Mẹ chồng tôi lấy dây thép xâu hạt bưởi cho cháu đốt tết Thu. Bọn trẻ có phần dửng dưng, bà có phần buồn. Con tôi giờ chơi nhạc Rock, đánh trống và gấp origami, những chùm hạt bưởi kia có phần quê mùa với chúng.  Biết làm sao, khi những gì còn lại cũng sẽ bị phôi pha và mùi hạt bưởi thơm chỉ còn cháy trong ký ức của một vài người.

  Tháng chín, những đầm sen từng thơm ngát mùi hoa xanh mềm màu lá đã tàn theo gió lạnh, trơ khấc cọng sen già xám ngắt, trơ gân lá sen tàn giăng như mạng nhện trên mặt nước lặng mùa thu. Hồ Tây đã vắng bớt những nàng xanh đỏ lướt quanh đầm làm dáng bên sen, mong giữ lại chút nhan sắc thời son trẻ, đã vắng bớt những chàng lỉnh kỉnh ống kính, máy quay, chổng mông, xoài người bên bờ nước chụp hoa thì ít, chụp da thịt con gái thì nhiều. Đỡ bớt ầm ầm tiếng xe chạy, tiếng người cười nói, đã bớt những nhếch nhác ăn uống, luộm thuộm rác bẩn của trai gái chốn kinh kỳ. Không gian đã đủ lặng để nghe được tiếng cười trong veo từ xa vọng lại, đủ tĩnh đễ nhìn rõ dáng tà áo nâu nhẹ lướt về Phủ Tây Hồ. Những ngày như thế, tôi sẽ ngồi cà phê trên quán vắng, nghe những người đàn ông vừa quăng câu vừa trò chuyện, ngắm những người phụ nữ dáng đã xồ xề, tóc đã bạc xác xơ, thanh thản dẫn cháu đi bộ dọc những luống hoa  ven hồ, và cả những đôi tình nhân ôm nhau rất chặt dưới tán cây đan lá che đầu.

 Những ngày đổi gió tháng 10, chạy xe dọc phố Trần Hưng Đạo lảng bảng mùi hoa sữa của những mỗi tình không bao giờ trở lại. Những quán cóc dọc đường đã thu cốc thủy tinh đựng trà đá mùa hè thay bằng chén sứ,  ấm tích ủ trong giỏ tre mầu nâu sẫm, sờn bạc thân quen lại được lấy ra. Gọi một chén trà, nhấm nháp cùng thanh kẹo lạc, bỗng nhớ vị ngọt đậm của bánh nướng ngũ nhân mua từ phố Thụy Khuê, vị của thứ bánh bao năm vẫn vậy, thuần khiết mùi lá chanh, béo ngọt vị mứt bí, như những mẩu bánh con con tôi đã được ăn rất nhiều năm trước. Hình như trà tôi uống mỗi ngày một đặc, đồ tôi ăn mỗi năm một thanh hơn, còn tâm hồn tôi, có còn như trà thơm trong ấm cũ, hay cũng đã dần nguội lạnh nhat nhẽo với thời gian.

 Thế là đã hết một mùa thu, hình như có người bỏ tôi để đi với một mùa thu khác!

 Phạm Việt Hà

Tháng 8 năm 2013

Đừng quên ta từng yêu nhau

Cố giữ tình dại đến khi nào? 
“Nhắm mắt lìa đời mới thôi”. 
Tuy không cần nhau đi nữa. 
Thì xin giữ tình… 
Ngọt ngào. (Trích lời bài hát “Có lúc”- Quốc Bảo)

66557_444862833370_566758370_5579658_4192250_n1.jpg

 

Ngõ tôi có đến ba cặp vợ chồng bỏ nhau. Cặp thứ nhất, ông chồng cứ hết giờ làm là bia rượu, tối mịt mới về. Thi thoảng nhà ông lại nghe ầm ầm đập phá, loảng xoảng chai cốc vỡ. Bà vợ đáo để đấu với ông chồng gia trưởng mải chơi đều đều tuần hai trận. Rồi thì cũng chẳng ở được với nhau, bà xách túi vào Nam ở với em, rồi lấy chồng mới. Cô con gái ở lại, ngơ ngác trống trải với ông bố ngủ đường nhiều hơn ngủ nhà, ăn cơm chợ nhiều hơn ăn cơm con nấu. Thỉnh thoảng điên tiết với đời, ông Duy lại lôi con ra dọa đánh, chỉ chửi và dọa, nhiếc móc nó cho bõ cái uất ức của thằng đàn ông bị vợ bỏ, chứ tuyệt nhiên chả dám đánh nó cái nào. Con bé buồn, lủi thuỉ cơm nước, lầm lũi đi học.

Cặp thứ hai ngay cạnh nhà, không lời qua tiếng lại, không cãi cọ chửi bới. Bỗng một ngày, tôi thấy anh chuyển nhà, chị đứng lặng trên ban công từ lúc xe chở đồ của anh đến tới lúc xe đi. Chị cứ đứng đó, cả khi cái xe đã đi khuất, anh lật đật dắt xe nổ máy cắm cúi lao đi, không một lần nhìn lại. Tôi sang, pha cho chị cốc nước mật ong, kéo chị vào phòng. Người đàn bà như chết nửa phần bỗng òa khóc nức nở. Chị bảo, anh đã rất thành thật rằng anh yêu người khác, dù người ấy chưa đồng ý lấy anh, nhưng anh thực sự cần nói với chị và cần được đến với người ta. Và vì anh đã rất thành thật, nên chị không giữ anh, vì chị biết có giữ cũng chẳng còn được nữa. Chị có bọn trẻ ở bên là đủ. Dù gì, chị và anh cũng đã có gần 20 năm hạnh phúc. Tôi tin là chị sẽ ổn, sẽ tự làm lành vết thương vừa cắt sâu vào thịt, và sẽ xây lại cho mình một mái ấm khác, dù có hay không một người đàn ông khác.

Cặp thứ ba, bỏ nhau khi tuổi đã xế chiều, cả hai ông bà đã về hưu, ra tòa không thống nhất được việc chia đôi tài sản to nhất là cái nhà đang ở. Trong lúc làm thủ tục ly hôn, ông chồng đã kịp sang tên căn nhà cho bà mẹ. Bà vợ cũng chẳng vừa,  không chịu đi chừng nào chưa nhận phần chia của, nhất nhất ở lại khẳng định chủ quyền. Bà lập kế hoạch đi kiện ông chồng cũ, từ tổ dân phố, đến hội phụ nữ, qua cả công an phường, lên cả ủy quan và tòa án quận. Ông cũng chẳng vừa, cho mẹ già đi khắp xóm cùng thôn kể tội bà con dâu bất hiếu bất nghĩa. Thỉnh thoảng, rình đúng Chủ Nhật, cả nhà mở toang cửa biểu diễn chửi nhau cho làng trên ngõ dưới tỏ tường tội lỗi của nhau, lôi cả ông bà tổ tông nhau ra chửi. Con cái đã ở riêng, buồn chuyện bố mẹ, can không nổi, đành lẩn cho xa. Giờ chuyện của họ không còn là vì cái nhà, mà là cuộc chiến sinh tử giữa hai ông bà già đã từng mấy chục năm đầu gối tay ấp, và chẳng còn sống được là bao.

Tôi tự hỏi cái gì đã khiến những người từng yêu nhau, khi không còn có thể tiếp tục chia sẻ cuộc sống, bỗng chốc thành ra thù hận căm ghét. Cái gì đã khiến những người đã từng hết lòng bao bọc, bảo vệ, chờ đợi nhau những năm gian khó quay ra nghi ngờ, rỉa róc, đặt điều chỉ để làm nhau đau đớn. Và cái gì, đã làm chị hàng xóm cạnh nhà buông tay cho chồng đi lấy người anh yêu, nhận về mình phần thua thiệt mà không oán trách. Có phải, vì chị không quên mất đã có thời họ yêu nhau tha thiết, đã từng làm nhau hạnh phúc, điền đầy vào cuộc đời của nhau, cùng nhau đi chung một đoạn đường. Và dù không thể đi tiếp cùng nhau, chỉ thế thôi là đủ.

Thi thoảng bạn bè tụ tập, nhìn những cặp đôi một thời, giờ mỗi người đều đi cạnh một người, đều có mái nhà riêng, thật lòng hỏi thăm, thật lòng vui vì người còn lại không lẻ bóng. Tôi mừng vì lòng bạn mình không chật hẹp, bởi cuộc đời này đã nhiều quá những vết thương, chả hàn gắn thì thôi, sao nỡ nói thêm lời cay đắng. Những mối tình đã đi qua, đều đã dạy ta điều gì đó, đều để lại những vết sẹo và cả những kỷ niệm ngọt ngào. Sao không gom vào cất tại lòng ta, như một phần đời đã qua, như một phần người còn ở lại.

Mải nghĩ, tôi đâm bổ vào ông Duy đang nghiến răng ken két, mặt đỏ phừng  hơi rượu, mắt trợn ngược, tay vung vẩy cái chổi, loạng choạng lần tường ra ngõ tìm con.

–           Mày giống hệt con mẹ mày, ba cái tuổi ranh đã đĩ thoã. Cơm nước chưa nấu nướng gì, đã vác đít ra ngõ tìm giai, rồi cũng lại như con mẹ mày thôi con ạ! Về đây, ông cho mày một trận!

Phạm Việt Hà

Đầu Thu năm 2013             

Mẹ ơi, năm học mới đến rồi!

DSC09294(Bài viết tặng một học sinh)

 

 

 

 

 

Mẹ ơi,

Nhìn mẹ loay hoay bán con lợn chưa tới lứa, chuẩn bị tiền nhập học cho hai chị em, lòng con thắt lại. Con sẽ chăm học, bởi con biết từng đồng tiền đóng học, là mồ hôi mẹ đã chắt chiu nhiều tháng, là yêu thương mỗi ngày mẹ dồn lại cho con. Tiền mừng tuổi con bỏ lợn vẫn còn, mẹ cầm mua lợn giống. Chị em con sẽ lấy bèo, làm cám bã nuôi lứa lợn mới lấy tiền đóng học sang năm. Chị em con lớn rồi, đã có thể chăm lợn, gánh phân, san sẻ việc nhà với mẹ. Hãy để chị con em cùng làm, mẹ nhé!

Mẹ ơi, năm học mới này, con không cần quần áo mới, cái cặp cũ con dùng vẫn tốt, đôi giày vải chị Thuấn cho năm ngoái cũng vẫn còn bền. Chúng con vẫn đủ, vẫn sạch, vẫn lành nhờ có bàn tay mẹ chăm lo. Quần áo mẹ đã ba năm nay chưa mua gì mới, túi xách không, giầy tất cũng không. Quanh năm mẹ tần tảo cái áo bay rách cổ đi cày đi cấy, cái áo hoa đi họp tổ phụ nữ, cái áo phin trắng đi ăn cỗ. Quanh năm mẹ đi đôi dép nhựa màu vàng đã sứt mũi và mấy bộ quần áo cũ bác cho. Mẹ hãy mua một cái áo mới thôi, cái áo cánh xanh mẹ hay đứng lặng nhìn ở cửa hàng bác Sáu sau những buổi đi chợ bán rau. Mẹ con đẹp nhất trần gian, mẹ con sẽ đẹp hơn nếu mắt mẹ vui niềm vui nhỏ bé của người phụ nữ, thứ mẹ đã quên bao năm để lo lắng cho chị em con.

Mẹ bảo năm nay con thi cuối cấp, mẹ sẽ bán con trâu nhà mình cho con đi xe buýt vào Hà Nội luyện thi. Mẹ đừng bán trâu mẹ nhé, không có trâu, ai sẽ ghé vai cày, lại là mẹ còng lưng gầy mà kéo. Con trâu này là sản nghiệp to nhất nhà mình, nhất định mẹ không được bán. Con hứa sẽ học chăm, sách  ôn tập các bác cho con sẽ học, sẽ làm bằng hết. Con tự học được, giống như mẹ đã tự học đan len, làm túi, móc khăn lấy tiền cho chị em con ăn học. Mẹ hãy tin là con có thể làm, bởi con đã thấy mẹ làm được bao việc một mình, xoay xở đủ nghề mà nào có ai dạy dỗ. Mẹ cứ tin, là con sẽ đỗ, là con sẽ cố hết sức mình, là con có thể tự ôn, bởi tự học cũng là cách lập thân, mẹ nhỉ!

Nhà mình nghèo, nên con xin mẹ cho con thi cao đẳng nghề gần nhà thôi mẹ nhé. Học nghề cũng tốt, đâu chỉ khoa bảng đại học mới lập được thân. Con muốn trở thành người thợ may thật giỏi, biết vẽ -biết khâu- biết may-biết cắt, để sau này con may quần may áo cho những người đàn bà tần tảo như mẹ của con. Con đã lớn, mẹ hãy cho con được chọn nghề cho con mẹ nhé. Mẹ cho con học gần nhà, để ngày ngày con vẫn được ở bên mẹ bên em, để con vẫn nấu được mâm cơm giúp mẹ khi chiều tắt nắng.

Năm nào bác về, cũng mang quà cho mẹ. Bác thương em gái một mình nuôi con hao mòn, bác thương tính người câm lặng không lời than thở. Bác cứ đi khỏi, là con lại thấy mẹ sắp xấp quà thành từng món một, rồi viết giấy để lên trên. Cái là quà cho cô chủ nhiệm ngày nhà giáo, cái mẹ giành để con lớn mặc, cái sửa nhỏ đi cho con gái bé. Chẳng năm nào mẹ có thứ gì để lại cho mình, con can mãi mà chẳng được. Mẹ đừng làm thế nữa, quà này cho mẹ, là để mẹ dùng. Con sẽ hái hoa nhà, bó thật đẹp tặng cô giáo những ngày khánh lễ. Con sẽ giữ quần áo sạch sẽ để mặc lâu hơn. Con muốn được nhìn thấy mẹ bớt lo toan, được nhìn thấy mẹ vui, được chia niềm vui đều với mẹ.

Mẹ ơi, năm học mới rồi, mẹ hãy cho con cơ hội học làm người có ích, bắt đầu bằng việc chia sẻ những lo toan cùng mẹ.

Con gái của mẹ

Phạm Việt Hà

Thu 2013