Ngày cuối

Lâu lâu, bốn đứa bạn thân từ hồi ngây ngô đi học ngồi ăn với nhau một bữa trưa, mang cho nhau mấy món quà cây nhà lá vườn nho nhỏ , kể chuyện mình chuyện nhà chuyện xóm, lô bô ba la tranh nhau cười tranh nhau nói, tranh nhau bôi bác bản thân. Thời buổi người ta ăn ngủ, khóc cười, làm tình, lấy vợ sinh con đều theo phong trào, con người cứ bị ngoại cảnh lôi đi, định khuôn, phá vỡ đến mức không còn nhận ra mình. Những kẻ sống đúng với bản tính, thật với bản thân thành số ít lẻ loi. Khoa bảo, cả bốn bọn mình bao năm qua tính đứa nào vẫn nguyên xi đứa đó, chắc vì vậy mà chả đứa nào thành danh, cũng vì vậy mà chơi được với nhau lâu.

Trong đời, mình sợ nhất là phải ân hận. Sợ nhất là đã không làm điều gì đó mình thực sự cần và muốn làm. Mình thà ân hận vì đã làm một việc sai, còn hơn là không làm gì để rồi đứng ngồi day dứt. Các bạn bảo bản tính mình tham công tiếc việc, lại đa sầu đa cảm, thôi bơn bớt đi để bản thân thanh thản nhiều hơn. Mình cười,  có lẽ mình bị ám ảnh rằng rất có thể hôm nay sẽ là ngày cuối cùng mình được sống nên ngày nào cũng sống tận sức mình, ngày nào  cũng sợ  nhỡ mình không còn cơ hội để làm những việc muốn làm,  nhỡ hôm nay chính là ngày cuối ấy.

Càng ngày mình càng ít đến chỗ đông người, thường chỉ đến vì đó là việc phải làm. Quỹ thời gian của mình, của những người mình yêu quý mỗi ngày mỗi ít, quả thật không muốn lãng phí vào việc không đâu. Ông xã trước cứ 6 giờ tối là gọi điện điểm danh vợ, biết vợ về rồi thì yên tâm đi tiếp.  Nếu vợ chưa về, dù hắn đã đến nhà thì cũng quay xe lượn thêm vòng nữa. Giờ, tối xong việc là về đi tập thể thao, ăn cơm với bố mẹ vợ con. Mình hỏi, hắn chỉ cười cười “Anh già rồi, cũng đã chán chơi!”. Mình biết hắn không già sớm, chỉ là đã hiểu thứ gì quan trọng nhất với bản thân.

Công việc của mình thường xuyên phải vào Nam, mọi người đều ngại chuyện đi lại mình thì mừng húm. Tháng đôi lần  được vào thăm mẹ, chỉ nhìn mẹ lui cui trong bếp cũng đã thấy ấm lòng. Mẹ cũng thế, thấy con vào lần nào cũng mừng rối rít. Chị cả mình năm này qua năm khác tổ chức cho mẹ đi nghỉ với cả đoàn con cháu. Chị bảo mẹ già rồi, còn đi được với con cháu là phải kéo bà đi, để bà vui và con cháu được ở bên bà.

Con người ta cũng kỳ, lời ngọt ngào lịch thiệp đem nói với người xa lạ còn thô thiển chua ngoa dành để người nhà, đi ra đường phải ăn mặc cho xinh trang điểm cho đẹp còn ở nhà cứ áo phông cũ quần đùi nhàu mà  diễu,  có món gì ngon để dành đãi khách còn để bố mẹ con cái trong nhà ăn đồ thừa từ bữa trước. Người ta thường lấy làm lạ khi có ai đó lễ phép nhường nhịn, nhất là lễ phép nhường nhịn người nhà. Mình lấy làm lạ khi mấy cô the thé chỉ thị bố mẹ nấu đồ ăn, trông con ở nhà và mấy anh mặc kệ vợ con nheo nhóc tối ngày lê lết quán bia hơi.

Mấy tuần nay nghe nhiều tin buồn quá. Chị đồng nghiệp cũ mới đây còn vui vẻ tràn đầy sức sống, giờ ốm nặng phải nghỉ hẳn việc ở nhà chữa bệnh. Mẹ người bạn đang minh mẫn khỏe mạnh bỗng lâm bệnh khó lòng qua khỏi. Tuần trước đi công tác, máy bay gặp dông lớn, lao xuống vụt lên tròng trành, hành khách hét lên vì sợ hãi. Mình cũng sợ, chợt nghĩ đến những việc chưa làm được cho những người mình yêu quý nhất.

Nếu chỉ còn được sống một ngày, mình muốn được ở bên ai, làm gì, ở đâu? Hình như mình đã biết.

Phạm Việt Hà

Tháng 6 năm 2015

Giỏi ngoại ngữ

  1. Năm 1996

Những năm 90 học liệu tiếng Anh thiếu thốn, nhất là băng đĩa để luyện nghe-nói, giáo viên ngoại ngữ khuyên sinh viên cuối tuần ra Bờ Hồ bắt chuyện với du khách nước ngoài để luyện giao tiếp. Khách nước ngoài mỗi người mỗi vẻ, người vui vẻ hỏi han, người khéo léo từ chối, người thẳng thắn gạt đi “Tôi không có thời gian nói chuyện với các anh chị.” Một chàng sinh viên vừa bị từ chối tiếp chuyện, tức lắm. Đúng lúc một bác Tây khác đi tới. Anh chàng cười cười:

  • What’s your name?
  • I’m John.
  • Mẹ thằng John. (Kèm nụ cười rất thân thiện)
  • What’s your name? (Cũng cười rất tươi)
  • I’m Sơn.
  • Mẹ thằng Sơn! (Bác John cười tươi, nháy mắt rồi quay người đi mất)
  1. Năm 2014

Một tối mấy chàng đeo ống kính to quấn khăn rằn nhỏ vào một quán Bar toàn người nước ngoài và sặc sụa khói thuốc để khoe ống và khẳng định đẳng cấp quốc tế của mình. Đến chầu thứ ba thì một cô gái Âu bước vào và ngồi cạnh nhóm. Có tí rượu, một chàng cao giọng bằng tiếng Việt “Mày ra chỗ khác mà ngồi, xấu thế này không đủ trình ngồi cạnh nhiếp ảnh gia, nhá!”. Nói rồi cả hội lăn lộn cười khả ố, lại còn nhìn cô gái nháy mắt vì tưởng cô không hiểu tiếng Việt. Cô gái đỏ mặt đứng dậy, chạy vào một góc khuất bên trong quán.

Dăm phút sau, hai cô gái Âu xinh đẹp chân rất dài vai rất rộng bước về phía nhóm khăn rằn ống to hỏi bằng tiếng Anh nhẹ nhàng vừa phải “Did you say that my friend was too ugly to sit next to you?”. Mấy chàng thấy gái xin liền hếch mặt, một tay vuốt ve ống kín, tay còn lại kín đáo sửa khăn rằn. Chàng 1 hỏi chàng 2 “Nó hỏi gì thế mày?”  Chàng 2 lắc đầu. Chàng 3 nhìn hai cô cười nịnh nọt rồi quay lại nháy “Xinh thế này, hỏi gì tao cũng yes.”. Thế là ba chàng nhiệt tình đồng thanh “Yes, Yes” đầy phấn khích.

Bốp! Bốp! Cả ba chàng mỗi người ăn hai cái tát hoa cả mắt. Một cô sẵng giọng nói rành rọt bằng tiếng Việt “Đừng bao giờ để tao nhìn thấy bọn mày ở đây nếu không muốn ăn tát hoặc gãy cổ!”. Rồi hai cô duyên dáng quay gót sải chân dài về phía góc khuất nơi có cô bạn đang chờ.

(Chuyện hư cấu nhưng không nhất thiết sai sự thật! )

Phạm Việt Hà

Tháng 6 năm 2015